TN - Đất & Người

Đắk Nông bác bỏ tin hổ xuất hiện gần hang động núi lửa Krông Nô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, cụm thác Đray Sáp đang trở thành điểm đến mới thu hút khách du lịch, nhất là những người thích khung cảnh hoang sơ, tự nhiên của núi rừng Tây Nguyên.

 



Ngày 24/10, thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cho biết chính quyền địa phương mới ra thông cáo báo chí về kết quả xác minh thông tin hổ xuất hiện tại một số khu vực xung quanh hang động núi lửa Krông Nô.

Theo thông cáo, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Nô bác bỏ thông tin đăng trên một số báo điện tử (tháng 9/2019) về việc "chúa sơn lâm trở về".

Trước đó, vào cuối tháng 9/2019, một số báo điện tử đăng thông tin “hổ tái xuất trong hang động núi lửa Chư Blưk," “thực hư cá thể hổ trong vùng hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á”...

Theo ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Nô, việc đăng tin thiếu căn cứ khiến người dân địa phương hoang mang, lo lắng; nhiều du khách lo ngại khi đến tham quan các thắng cảnh nổi tiếng của huyện Krông Nô như cụm thác Đray Sáp, hệ thống hang động núi lửa.

Trước thực tế trên, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Nô đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tiến hành hai lần xác minh, kiểm tra.

Kết quả kiểm tra hiện trường, làm việc với một số người dân liên quan, đơn vị chủ rừng cho thấy không có dấu chân cũng như bất kỳ dấu vết nào của hổ tại các khu vực mà người dân đồn đoán.

Đoàn kiểm tra, xác minh do Chi cục Kiểm lâm (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông) chủ trì cũng đã phối hợp với các ngành chức năng huyện Krông Nô tiếp tục kiểm tra một số khu vực được người dân phản ánh là tận mắt thấy hổ xuất hiện, hoặc có vết cào, dấu chân của hổ… Kết quả kiểm tra một lần nữa khẳng định các thông tin về sự xuất hiện của hổ đều không có căn cứ.

Ngoài ra, báo cáo của chính quyền địa phương cũng cho thấy trong thời gian gần đây chính quyền không tiếp nhận bất kỳ phản ánh nào của người dân về việc phát hiện dấu chân, nghe tiếng gầm của hổ hay tình trạng gia súc, động vật hoang dã bị hổ giết, ăn thịt.

Đoàn kiểm tra, xác minh cũng đối chiếu tập tính sinh hoạt, thói quen săn mồi, tập tính sinh sản của hổ với thực địa để bác bỏ thông tin về việc hổ xuất hiện tại một số khu vực gần hang động núi lửa Krông Nô.

Hiện nay, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, cụm thác Đray Sáp đang trở thành điểm đến mới thu hút khách du lịch, nhất là những người thích khung cảnh hoang sơ, tự nhiên của núi rừng Tây Nguyên.

Huyện Krông Nô nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung cũng định hướng phát triển du lịch bằng việc xây dựng Công viên địa chất Đắk Nông với nền tảng chính là hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

Ngày 20/9, Công viên địa chất Đắk Nông đã được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Hưng Thịnh (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm