TN - Đất & Người

Đắk Nông nhiều cơ hội xuất khẩu lao động nhưng ít... người tham gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ hội xuất khẩu lao động với mức thu nhập khá luôn rộng mở với người lao động ở tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy cơ hội làm việc thì nhiều nhưng lại có rất ít người tham gia. 

Người lao động Đắk Nông chủ yếu làm việc thời vụ trong các ngành nghề nông nghiệp ở địa phương. Ảnh: Phan Tuấn
Đơn cử như anh Nguyễn Quốc Thanh, ở huyện Đắk Song từng có ý định xuất khẩu lao động nhưng rồi phải từ bỏ, ở nhà làm việc thời vụ ở địa phương. Anh Thanh cho biết: "Do nhà không có nhiều rẫy vườn nên tôi tính đi xuất khẩu lao động để có thu nhập ổn định. Nhưng do khó tiếp cận được với chương trình đào tạo ngoại ngữ nên bản thân đành gác lại ý định xuất khẩu lao động, tiếp tục lao động phổ thông, thời vụ ở địa phương". 
Theo Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2016 - 2020, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 900 người, chiếm 0,99% tổng số lao động được tạo việc làm. Thị trường lao động chủ yếu được lựa chọn là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số lượng người đi xuất khẩu lao động còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, phần lớn người lao động không đáp ứng được tiêu chí về trình độ, gặp khó khăn trong việc học nghề, học ngoại ngữ…
Mặt khác, qua khảo sát, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông nhận thấy, nhu cầu đi xuất khẩu lao động của một số địa phương không nhiều. Thế nên, thời gian qua, các đơn vị có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động cũng không mặn mà thực hiện việc tuyển dụng lao động xuất khẩu lao động ở địa phương.
Trong khi đó, phạm vi tuyên truyền cho người lao động cũng chưa được sâu rộng, cơ chế thanh quyết toán kinh phí đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện tại dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta đã mở cửa trở lại, với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu đưa 200 người đi xuất khẩu lao động. Để làm được điều này, điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người lao động, gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành để tổ chức định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn. Trong đó, chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp những số liệu tin cậy giúp người lao động có điều kiện tiếp xúc, nắm bắt những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác nhất. Qua đó, từng bước thay đổi quan điểm, cách nhìn của người lao động ở Đắk Nông về chương trình xuất khẩu lao động. 
Theo PHAN TUẤN (LĐO)
https://laodong.vn/cong-doan/dak-nong-nhieu-co-hoi-xuat-khau-lao-dong-nhung-it-nguoi-tham-gia-1020826.ldo

Có thể bạn quan tâm