TN - Đất & Người

Đắk Nông triền miên thiếu giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều năm nay, thiếu giáo viên là một trong những nỗi lo của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung. Đối với tỉnh Đắk Nông, do những đặc thù riêng nên tình trạng thiếu giáo viên hàng năm đều tăng, gây áp lực cho ngành Giáo dục.

Học sinh tăng hàng năm với số lượng lớn

Học sinh tăng với số lượng lớn hàng năm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở Đắk Nông ngày càng nhiều.

Huyện Đắk Glong là một trong những địa phương có số lượng học sinh tăng hàng năm cao nhất tỉnh. Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Bình quân mỗi năm, huyện tăng cơ học (người dân di cư tự do từ miền Bắc vào) trên 1.000 học sinh các cấp đã tạo thêm áp lực cho địa phương không chỉ về biên chế giáo viên mà cả cơ sở vật chất trường, lớp".

Vì thiếu giáo viên nên Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong ưu tiên tuyển trẻ 5 tuổi.

Vì thiếu giáo viên nên Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong ưu tiên tuyển trẻ 5 tuổi.

Cụ thể, năm học 2024-2025, toàn huyện Đắk Glong có 34 trường học công lập từ bậc mầm non đến bậc THCS với 20.977 học sinh theo học ở 451 lớp học. So với năm học 2023-2024, toàn huyện tăng 21 lớp, với 562 học sinh. Ông Phương cho biết, trong khi học sinh hàng năm tăng nhưng số lượng biên chế được bổ sung hạn chế. Thêm vào đó, huyện không tuyển dụng được giáo viên nên tình trạng thiếu giáo viên hàng năm luôn là bài toán chưa có lời giải của ngành Giáo dục huyện.

Cũng theo ông Phương, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng do số lượng học sinh tăng quá nhanh nên hàng năm vẫn còn hàng trăm trẻ 3 đến 4 tuổi chưa được đến trường. Nhiều năm nay, huyện vẫn đang ưu tiên tuyển đủ 100% trẻ 5 tuổi để đáp ứng yêu cầu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Các trường khu vực trung tâm như TP. Gia Nghĩa phải dồn học sinh/lớp để đáp ứng nhu cầu tuyển trẻ 3-4 tuổi.

Các trường khu vực trung tâm như TP. Gia Nghĩa phải dồn học sinh/lớp để đáp ứng nhu cầu tuyển trẻ 3-4 tuổi.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng, sự gia tăng liên tục về số lượng học sinh hàng năm trên địa bàn tỉnh là một điều tất yếu. Đắk Nông có tỷ lệ dân số trẻ cao. Hàng năm tỉnh có số lượng lớn người di cư tự do từ miền Bắc vào, đặc biệt là ở các huyện như Đắk Glong và Tuy Đức. Tình trạng này đã dẫn đến sự gia tăng đột biến về số học sinh ở các cấp học, nhất là bậc mầm non và tiểu học.

Nếu trong năm học 2021-2022, số lượng học sinh toàn tỉnh là trên 175.000 em thì năm 2023-2024 con số này tăng mạnh lên trên 186.000, tăng thêm 3.750 học sinh.

Đặc biệt, trong năm học 2024-2025, số học sinh tăng đạt đến 190.270 em, tương đương tăng thêm 3.837 học sinh. Sự gia tăng số lượng học sinh đặt ra những thách thức lớn cho ngành Giáo dục Đắk Nông không chỉ về cơ sở vật chất mà tình trạng thiếu biên chế giáo viên càng nặng nề hơn.

Đắk Nông hàng năm có số lượng học sinh tăng nhanh là một trong những nguyên nhân tăng thêm áp lực thiếu giáo viên ở các cấp học.

Đắk Nông hàng năm có số lượng học sinh tăng nhanh là một trong những nguyên nhân tăng thêm áp lực thiếu giáo viên ở các cấp học.

Giáo viên ngày càng thiếu

Cùng với việc số lượng học sinh tăng nhanh hàng năm, tình trạng thiếu giáo viên tại tỉnh Đắk Nông còn do nhiều nguyên nhân khác. Một trong những nguyên nhân phải kể đến đó là việc Bộ Nội vụ tính số lượng giáo viên dựa trên tổng số học sinh để phân bổ biên chế.

Với cách tính này không phù hợp với đặc thù của tỉnh Đắk Nông, nơi có địa bàn rộng và nhiều điểm trường lẻ. Việc phân bổ biên chế giáo viên hàng năm không phù hợp với thực tế, dẫn tới không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa. "Số lượng biên chế giáo viên được bổ sung hàng năm tại Đắk Nông chỉ như “muối bỏ biển”, không đủ để bù đắp sự thiếu hụt thực tế", ông Hải cho hay.

Năm học 2024-2025, Đắk Nông thiếu 1.545 biên chế giáo viên

Năm học 2024-2025, Đắk Nông thiếu 1.545 biên chế giáo viên

Nếu như năm học 2023-2024, Đắk Nông thiếu 606 biên chế giáo viên ở các bậc học thì đến năm học 2024-2025, số giáo viên các bậc học trong toàn tỉnh thiếu đến 1.545 biên chế. Các địa phương có số lượng thiếu nhiều như Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô… Bậc học có số lượng giáo viên thiếu nhiều nhất là tiểu học với 699 biên chế, tiếp đến là bậc mầm non với 306 biên chế; bậc THCS thiếu 293 biên chế và bậc THPT thiếu 247 biên chế giáo viên.

Ông Phan Thanh Hải cũng cho biết, tình trạng thiếu giáo viên có xu hướng tăng dần ở các bậc học lớn hơn. Riêng các đơn vị trực thuộc sở hiện cũng đang triển khai mọi giải pháp để bảo đảm dạy học tốt nhất có thể.

Điển hình như năm học 2024-2025, với nhu cầu tuyển sinh lớp 10 tăng, tỉnh Đắk Nông đã bổ sung thêm 299 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại các huyện Tuy Đức, Đắk Glong và các vùng dân tộc thiểu số của huyện Đắk Mil. Số lớp tăng dẫn đến số giáo viên thiếu càng tăng so với kế hoạch được phê duyệt trước đó.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện trừ các chỉ tiêu về hợp đồng, biên chế hiện có thì các đơn vị trực thuộc sở còn thiếu 119 giáo viên THPT để đáp ứng nhu cầu giảng dạy lớp 10.

Sự khó không riêng của Đắk Nông

Thiếu giáo viên không chỉ là căn bệnh trầm kha của tỉnh Đắk Nông mà là bài toán nan giải chung của ngành Giáo dục trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 thì tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.

Tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên trầm trọng hơn đối với ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố trong cả nước từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số học sinh/lớp sẽ giảm (tùy theo khu vực) hơn nhiều so với trước đây, dẫn đến số lượng lớp học tăng lên nên số lượng giáo viên sẽ thiếu nhiều hơn trước đây. Cùng với đó, một số lớp ở các cấp học sẽ triển khai thêm các môn học bộ môn dẫn đến thiếu giáo viên. Điển hình như bậc THPT thiếu giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ Thuật và Tin học. Bậc tiểu học thiếu trầm trọng giáo viên bộ môn Tin học và Tiếng Anh.

Ông Phan Thanh Hải chia sẻ, mặc dù thiếu biên chế giáo viên nhưng toàn ngành hiện vẫn còn biên chế chưa tuyển dụng được, trong đó chủ yếu là biên chế các môn Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật… Nguyên nhân chủ yếu là tỉnh không có nguồn để tuyển dụng do số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này chủ yếu đi làm ở các thành phố lớn do điều kiện thu hút hơn.

Trong bối cảnh vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên thì Đắk Nông và các tỉnh thành trong cả nước đều phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế hàng năm theo quy định. Điển hình như trong năm 2024, Đắk Nông được giao bổ sung 316 biên chế giáo viên sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Tuy nhiên, số lượng biên chế toàn tỉnh cần phải thực hiện tinh giản theo quy định là 323 biên chế.

Như vậy, chênh lệch giữa số đề nghị cắt giảm và số bổ sung là 7 biên chế. Để thực hiện công tác tinh giản biên chế trong năm 2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã sử dụng số lượng 316 biên chế giáo viên được giao bổ sung và thêm 7 biên chế tại một số đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện cắt giảm biên chế trong năm 2024 nhằm bảo đảm số lượng do Trung ương đề nghị cắt giảm. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh vẫn không được giao bổ sung biên chế giáo viên.

Theo Nguyễn Hiền (baodaknong.vn)

Có thể bạn quan tâm