TN - Đất & Người

Đắk Nông: Trồng sâm lạ, trồng cây dược liệu lạ-vì sao ngành chức năng lại cảnh báo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Nông là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu, nhất là các loại cây có họ sâm. Vậy nhưng hiện nay, việc phát triển diện tích vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, tự phát, chưa mang tính hàng hóa và sản xuất theo quy mô lớn.
Do đó, người dân sẽ có nguy cơ gặp rủi ro cao khi tự phát trồng các loại cây dược liệu mà không tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.
Tiềm năng phát triển lớn
Đắk Nông có nhiều vùng sinh thái có tập trung cây dược liệu với trữ lượng lớn như Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vùng rừng thuộc huyện Cư Jút...

Cây sâm Bố chính trồng ở xã Quảng Sơn (Hồ Mai)
Cây sâm Bố chính trồng ở xã Quảng Sơn. Ảnh: Hồ Mai
Những năm qua, một số doanh nghiệp, địa phương đã đưa vào trồng, kinh doanh cây dược liệu và đạt kết quả bước đầu. 
Trong số đó có dự án đầu tư trồng cây dược liệu và rừng sản xuất tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) của Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến Nông lâm sản - Dược liệu sạch Đắk Nông trồng 10 loại cây dược liệu là: Đinh lăng, Kim ngân hoa, Khổ sâm, Hoài sơn, Thiên môn, Hoa hòe, Địa hoàng, Hoắc hương, Ngũ gia bì, Màng tang.
Hội Đông y tỉnh Đắk Nông cũng đã xây dựng đề tài nghiên cứu về cây Hà thủ ô đỏ. Tại một số địa phương, nông dân bước đầu phát triển thử nghiệm ở quy mô nhỏ dưới 1.000 m2 đối với một số cây dược liệu như: Tam thất nam, Bạch chỉ, Thiên môn đông (Đắk R'lấp); Kim ngân hoa (Đắk Glong); Gấc, Đương quy, Đinh lăng (Chư Jút, Đắk R'lấp); Kim tiền thảo (Tuy Đức, Đắk Glong)...
Người dân tự phát trồng nhiều loại
Thời gian qua, nhiều hộ dân đã tự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và mua giống nhiều loại cây dược liệu (chủ yếu là cây họ sâm) để về trồng.
Qua học tập trên sách báo, một số mô hình từ các tỉnh phía Bắc, đầu năm 2020, anh Lý A Lái ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) và Chạc A Dần ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) đã phối hợp mua 17.000 cây giống Cát sâm từ tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn vào trồng thử nghiệm trên diện tích gần 2 ha đất tại thôn Đắk Krung, xã Quảng Tân (Tuy Đức). 
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Cát sâm còn gọi tên khác là sâm sắn, nam sâm, sâm trâu. Cát có nghĩa là sắn, hình dáng của củ cát rất giống củ sắn, vị thuốc cũng giống củ sắn, lại có công dụng bổ dưỡng như sâm, nên được gọi tên là cát sâm.

Củ sâm Bố Chính được thu hoạch ban đầu. Ảnh: Hồ Mai
Củ sâm Bố Chính được thu hoạch ban đầu. Ảnh: Hồ Mai
Qua một năm trồng và chăm sóc, anh Lái (chủ vườn) cho biết: Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây khá phù hợp với cây Cát sâm. 
Khi trồng thì cây phát triển tốt, hiện một số cây đã bắt đầu có củ... Anh Lái còn cho biết thêm, Cát sâm là loại cây có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc; là dược liệu quý giúp thanh nhiệt, tăng cường sức khỏe, chữa bệnh... và được một số công ty phía Bắc thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Với giá bán hiện nay là 200.000 đồng/kg củ; 10 triệu đồng/kg hạt.
Cũng trong khoảng giữa năm 2021, một số hộ nông dân phối hợp với doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh trồng thử nghiệm cây sâm Bố chính trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong).
Trên 2 ha đất, sau 2 tháng trồng, sâm Bố chính cho thu hoạch hoa; 4 tháng cho thu hoạch củ. Tuy nhiên, để củ sâm đạt kích cỡ lớn, năng suất cao, theo các hộ dân thì sau 9 tháng đến 1 năm mới tiến hành thu hoạch. Người dân cung cấp hoa để doanh nghiệp sản xuất trà, siro. Củ sâm có thể làm nước uống và mỹ phẩm.
Sau nhiều tháng trồng, cây sâm Bố chính được người dân đánh giá phát triển tốt và ít bị sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất Quảng Sơn. Theo người dân thì Bố chính là loại sâm quý, có nhiều công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và làm đẹp. Tùy kích cỡ, độ tuổi, củ sâm Bố chính có giá từ 150 - 300 ngàn đồng/kg.
Loại sâm Bố chính này cũng được nhiều hộ dân ở xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song) đưa vào trồng.
Hay như một số hộ dân ở xã Long Sơn, Đắk Sắk (Đắk Mil) cũng đã đưa giống sâm Ngưu bàng (có nguồn gốc từ Nhật Bản) để vào trồng. Tuy nhiên, năng suất cây không đạt như mong muốn. Khi thu hoạch lại không có doanh nghiệp thu mua.
Nhiều rủi ro khi trồng tự phát
Theo anh Lý A Lái, sở dĩ anh đưa cây Cát sâm vào trồng vì thấy ở ngoài Lạng Sơn, Quảng Ninh có nhiều người trồng, lại được các thương lái tìm mua nhiều để xuất khẩu sang Trung Quốc. 
Tuy nhiên, thời gian trồng và thu hoạch loại Cát sâm khá dài, từ khi trồng đến khi được thu hoạch khoảng 5 năm mới cho thu hạt; và 7 - 8 năm thì thu hoạch củ. 
Bên cạnh đó, vùng Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung chưa phát triển loại cây này. Các công ty thu mua chủ yếu ở phía Bắc hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc nên đầu ra còn gặp nhiều khó khăn và bấp bênh.

Cây Cát sâm được trồng tại xã Đắk Wer. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: A Trư
Cây Cát sâm được trồng tại xã Đắk Wer. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: A Trư
Còn những hộ dân trồng sâm Bố chính thì cũng không chắc chắn về sự ổn định giá cả cũng như đầu ra sản phẩm sau này. 
Họ chưa có sự ràng buộc về pháp lý đối với các công ty cung cấp giống và thu mua sản phẩm. Thậm chí, có những hộ chỉ mới nghe thông tin trồng loại sâm này có lời, hoặc nghe giới thiệu loại sâm này có tác dụng chữa bệnh tốt, có hiệu quả kinh tế cao thì mua giống về trồng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, việc người dân tự phát trồng hoặc tự tìm nguồn cung cấp cây giống rồi thỏa thuận buôn bán đầu ra sản phẩm đối với các loại cây dược liệu (chủ yếu là các loại cây sâm) diễn ra khá nhiều. 
Tuy nhiên, chính quyền các cấp, các ngành chức năng lại không tham gia, can thiệp vào quá trình trồng loại cây Cát sâm mang tính tự phát này. Do đó, sẽ có nguy cơ phá vỡ kết cấu, quy hoạch diện tích cây trồng tại một số địa phương; tình trạng cung vượt cầu, được mùa mất giá, không tìm được đầu ra cho sản phẩm. 
Khi trồng các loại cây dược liệu lạ, người dân chưa lường hết được mức độ phù hợp của cây đối với khí hậu, thổ nhưỡng, chất đất ở địa bàn đó hay không. Thậm chí, một số cây họ sâm củ còn phản tác dụng ngược lại như làm xấu chất đất.
Quan trọng nhất là khi tự phát, cây giống được mua vào với giá cao, thời gian trồng lâu, tốn nhiều chi phí đầu tư chăm sóc. Nhưng đến khi thu hoạch thì giá bán củ sâm lại rất thấp, không đủ chi phí đầu tư bỏ ra. Thậm chí, người dân còn gặp phải trường hợp các công ty, tổ chức, cá nhân cam kết ban đầu nhưng lại không “xuất hiện” hoặc không tổ chức thu mua sản phẩm đã được trồng.
Bảo Ngọc (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm