TN - Đất & Người

Đak Nông: Vợ chồng U70 lên rừng trồng 20 ha măng tre 4 mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng vợ chồng ông Lê Minh Hoàng-bà Nguyễn Thị Sang, xã Đak Som, huyện Đak G'Long, tỉnh Đak Nông vẫn ấp ủ nhiều dự định lớn. Từ việc nhân giống thành công "măng tre 4 mùa", họ đang có nhiều dự định nhằm giúp người nghèo.
Choáng ngợp với trang trại 20 ha
Năm 1997, khi ở tuổi 46, ông Hoàng-bà Sang đã rời TP. Nha Trang lên xã Đak Som, huyện Đak G'Long (Đak Nông) để chính thức làm nông dân. Sau khi mua 4,5 ha đất, đôi vợ chồng ấy bắt tay vào cải tạo, đầu tư hệ thống tưới tiêu trồng cà phê, nuôi dê và trồng xen mít bơ, sầu riêng, bơ, chanh… Chỉ một thời gian sau, nhờ cần cù, chăm chỉ cùng cách làm nông khoa học, vợ chồng ông Hoàng đã xây dựng được một trang trại rộng đến 20 ha.
Bà Sang thu hoạch măng tre 4 mùa và các loại cây trái trong trang trại. Ảnh: Duy Hậu
Bà Sang thu hoạch măng tre 4 mùa và các loại cây trái trong trang trại. Ảnh: Duy Hậu
 
"Chúng tôi còn có dự định mua thêm máy ép thân tre để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ép thành nhiên liệu nén để xuất khẩu. Tôi nghĩ cây "măng tre 4 mùa" sẽ trở thành một loại cây hoàn toàn có thể giúp người dân thoát nghèo".
Ông Lê Minh Hoàng

20 năm sau, vợ chồng ông Hoàng có thể nói là một "đại gia" trong vùng, song người ta biết nhiều đến đôi vợ chồng ấy bởi họ luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Năm 2017, khi ở tuổi 66, ông Hoàng và bà Sang tình cờ biết được một giống măng tre rất lạ, có thể cho măng quanh năm, ăn lại ngon nhưng ở tận… Đài Loan.

"So với các loại nông sản khác, măng rừng luôn có giá ổn định, mang lại nguồn thu khá cho nông dân, nhưng chỉ có thể kiếm được chỉ trong một thời gian ngắn. Việc này khiến tôi suy nghĩ phải tìm cách để cây tre cho măng quanh năm. Thế nên khi nghe con trai nói về giống măng 4 mùa, tôi đã không ngần ngại bỏ tiền cho con sang tận Đài Loan tìm hiểu"-bà Sang chia sẻ.
Đầu năm 2017, con trai bà Sang đã mang về được cho bà 50 gốc măng giống để trồng thử nghiệm. Những tưởng sẽ thất bại khi 20/50 cây măng giống bị chết nhưng sau đó, bằng cách vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, vợ chồng lão nông ấy đã từng bước nhân giống, gây dựng được một vườn măng tre với hơn 5.000 gốc.
Với mỗi ha trồng 800 gốc măng, sau khi trồng 8 tháng có thể bắt đầu thu hoạch với năng suất 1 tạ/gốc/năm, giá bán ổn định 10.000 đồng/kg măng tươi. Mỗi ha cho vợ chồng ông Hoàng thu về 800 triệu đồng/năm.
Ấp ủ nhiều dự định cho dân nghèo
Sẵn bản tính thương người, sau khi có được giống măng quý, bà Sang bàn với chồng đầu tư giống cho người nghèo ở địa phương. Ngay sau đó, họ đã chọn 3 gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn nhất để đầu tư giống, đất và phân bón để trồng măng. Hai người đã mua thêm 10 ha đất ở thôn 1, xã Đak Som để đầu tư cho dân. "Ngay mùa mưa này, gia đình tôi sẽ chiết giống trồng 6 ha cho 3 hộ nghèo trong xã. Gia đình sẽ đầu tư toàn bộ, người dân chỉ bỏ công và chia đôi lợi nhuận"-bà Sang cho biết.
Do trang trại nằm gần hồ Tà Đùng-nơi được xem là "Hạ Long trên Tây Nguyên", nên vợ chồng ông Hoàng đang ấp ủ dự định phát triển du lịch từ cây măng tre 4 mùa. Hai vợ chồng lão nông ấy muốn tận dụng thân tre để làm nhà dừng chân, phòng nghỉ, giường, ghế… và sẽ phục vụ du khách các món ăn được chế biến từ "măng tre 4 mùa". Ngoài ra, du khách vừa đi dưới các tán tre, vừa tha hồ ngắm cảnh hồ Tà Đùng. Đặc biệt, ông bà sẽ làm một số đồ lưu niệm từ thân, gốc tre, cùng với măng khô, măng tươi bán cho du khách với giá phải chăng.
Toàn bộ dự định đó của họ đều hướng đến mục đích tạo công ăn việc làm, giúp đỡ cho dân nghèo. Thế nên, mặc dù có nhiều người đến hỏi mua giống măng quý này nhưng ông bà đã từ chối.
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm