TN - Đất & Người

Đak Pơ đẩy mạnh thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau gần 7 năm xây dựng, trung tâm hành chính huyện Đak Pơ (Gia Lai) đã tạo được điểm nhấn cho một đô thị trẻ. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng không ngừng được xây dựng. Cùng với đó, huyện luôn quan tâm để thu hút đầu tư.
Những kết quả khả quan
Được chia tách từ năm 2003, huyện Đak Pơ đã có những chiến lược cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh, trong đó thu hút đầu tư là một trong những chính sách được quan tâm.
 
Năm 2010, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của huyện Đak Pơ. Toàn huyện  gieo trồng được 18.197 ha cây trồng các loại, đạt 105% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,03%; trong đó ngành công nghiệp-xây dựng tăng 18,2%, thương mại dịch vụ tăng 17,1%, nông- lâm nghiệp tăng 7,6%. Thu nhập bình quân đầu người 7,07 triệu đồng/năm, tăng 13,8% so với năm 2009. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ngành nông-lâm nghiệp chiếm 43,9%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28%, dịch vụ - thương mại chiếm 28,1%. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 15,051 tỷ đồng, đạt 104,52% kế hoạch.
Trong năm, bằng các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, cùng với nguồn lực tại chỗ huyện đã đầu tư 38,265 tỷ đồng để xây dựng 76 công trình (bao gồm 43 công trình chuyển tiếp, 33 công trình đầu tư mới); đã thi công hoàn thành 68 công trình, đang triển khai thi công 8 công trình; tổng số vốn giải ngân năm 2010 đạt 38,098 tỷ đồng.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế  của huyện cũng đạt được những thành tích khả quan. Hiện nay, toàn huyện có 25 trường học với 8.619 học sinh, (trong đó: 8 trường mầm non với 1.704 học sinh, 6 trường tiểu học với 3.729 học sinh, 10 trường trung học cơ sở với 2.802 học sinh và 1 trường trung học phổ thông với 384 học sinh. Đak Pơ hiện có 30 làng văn hóa, 42 đơn vị văn hóa, 46 khu dân cư tiên tiến, 7.000 gia đình văn hóa, 68 thôn, làng xây dựng hương ước.
Nhiều chính sách thu hút đầu tư
Phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là một hướng đi đã được huyện đề ra từ khi mới chia tách. Chính vì thế huyện đã ban hành nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại đây.  Doanh nghiệp đầu tư vào huyện sẽ được tạo điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục và được hưởng một số chính sách ưu tiên cụ thể.
 
Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ công ngiệp Phú An đã được tỉnh phê duyệt, huyện đang lập thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng. Hoạt động sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển, ổn định. Tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) ước thực hiện được 95,628 tỷ đồng, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2009.
Đây chính là điều kiện cơ bản để các doanh nghiệp căn cứ vào đó lựa chọn lĩnh vực đầu tư. Đak Pơ nằm dọc theo quốc lộ 19 có thể đến Pleiku hoặc xuôi xuống Quy Nhơn. Cùng với đó, huyện có diện tích mì và mía lớn, lại có đường để kết nối với một số vùng nguyên liệu như: Kông Chro, Kbang, An Khê… Chính vì thế, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản sẽ là thế mạnh mà các doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng tại huyện.
Cùng với đó, Đak Pơ cũng có các công trình văn hóa, lịch sử phục vụ cho việc du lịch, tham quan.  Di tích Chiến thắng Đak Pơ, đồi thông tại Hà Tam và bề dày văn hóa phong phú sẽ là sự khám phá thú vị của  du khách.  Đây chính là lĩnh vực lý tưởng để các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch.
P.P

Có thể bạn quan tâm