Mặc dù đã nhiều lần làm việc với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua huyện Đak Pơ về phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, cây trồng, nhà ở và vật kiến trúc nhưng ông Mai Thanh Nhựt (thôn An Sơn, xã Cư An) vẫn chưa đồng thuận.
Gia đình ông Nhựt thuộc diện bị thu hồi toàn bộ diện tích đất và nhà ở. Trong đó, diện tích đất ở bị thu hồi là 142 m2, có giá trị bồi thường trên 2,2 tỷ đồng và 44,7 m2 đất trồng cây lâu năm có giá trị bồi thường hơn 6,4 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình ông còn được đền bù về nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng, chính sách hỗ trợ với tổng giá trị bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân nằm trong khu vực tuyến tránh thị xã An Khê (đoạn qua huyện Đak Pơ) hiện đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ảnh: Phạm Ngọc |
Ông Nhựt cho rằng, Hội đồng bồi thường của huyện chưa giải quyết thỏa đáng nên ông tiếp tục đề nghị xem xét việc đền bù nhà quán (phần cửa tiệm cho thuê đồ cưới và cũng là nơi vợ ông hành nghề trang điểm, làm nail); đồng thời nâng mức đền bù đối với phần đất trồng cây lâu năm của gia đình. Ngoài ra, phần đất của gia đình ông hơn 186 m2 (ngang 6 m x dài trên 30 m) nay bị Nhà nước thu hồi, giải tỏa trắng phải chuyển đi tìm nơi khác sinh sống.
“Với số tiền đền bù như hiện nay, gia đình tôi không đủ để mua đất, xây nhà. Do vậy, tôi đề nghị Hội đồng bồi thường của huyện xem xét bố trí diện tích đất tái định cư tương xứng để gia đình sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, mức bồi thường mà Hội đồng bồi thường của huyện đưa ra là thấp, tôi đề nghị phải nâng giá đền bù đối với nhà ở, vật kiến trúc, phần đất trồng cây lâu năm của gia đình”-ông Nhựt cho hay.
Trong khi đó, đại diện cho hộ ông Nguyễn Minh Thuyết-bà Lê Thị Hồng, anh Nguyễn Quốc Vương (con trai ông Thuyết) cũng chưa thống nhất mức giá đền bù mà Hội đồng bồi thường của huyện đưa ra. Theo đó, hộ ông Thuyết đang sử dụng thửa đất số 183, tờ bản đồ số 2 có diện tích 1.311 m2 (đất ở nông thôn 400 m2; đất trồng cây lâu năm 911 m2) được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2011.
Trên cơ sở kết quả đo đạc, tổng diện tích đất gia đình đang sử dụng hiện trạng là 1.229,9 m2 (giảm 81,1 m2 so với diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Trong đó, đất ở 400 m2, đất trồng cây lâu năm 829,9 m2. Tổng diện tích đất thu hồi của gia đình ông Thuyết là 741,3 m2, diện tích nằm trong hành lang an toàn đường bộ là 423,6 m2, diện tích còn lại (nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ) là 65 m2.
Đối với 65 m2 đất còn lại không đảm bảo diện tích tối thiểu (70 m2) để xây dựng nhà ở nên theo đề nghị của gia đình và thống nhất của Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải), Hội đồng bồi thường của huyện đã để lại 104,5 m2 đất ở để gia đình xây dựng nhà ở. Như vậy, tổng diện tích thu hồi là 741,3 m2, giá trị bồi thường diện tích đối với 295,5 m2 đất ở bị thu hồi là hơn 4,6 tỷ đồng và 445,8 m2 đất trồng cây lâu năm là 63,9 triệu đồng. Cùng với giá trị bồi thường về nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng; hỗ trợ hoạt động kinh doanh; chính sách hỗ trợ, trợ cấp, gia đình ông được bồi thường tổng cộng 5,7 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Quốc Vương (bên phải, thôn An Sơn, xã Cư An) trao đổi với P.V về diện tích đất của gia đình bị thu hồi. Ảnh: Phạm Ngọc |
Tuy vậy, theo anh Vương, việc định giá, áp giá đền bù đối với đất trồng cây lâu năm là chưa thỏa đáng. “Gia đình tôi bị thu hồi 445,8 m2 đất trồng cây lâu năm tiếp giáp với quốc lộ 19 có giá trị thực tế rất cao nhưng đơn giá đền bù chỉ 143.487 đồng/m2. Mặt khác, đối với đất nông nghiệp, vườn ao gắn liền với đất ở trong cùng một thửa đất thì giá trị bồi thường phải tương đương từ 30 đến 70% so với giá trị của đất ở nhưng Hội đồng bồi thường vẫn áp mức giá chỉ 143.487 đồng/m2 so với giá đất ở là 15,6 triệu đồng/m2”-anh Vương chia sẻ.
Ngoài ra, anh Vương cũng đề nghị làm rõ phần diện tích đất đã bị giảm (81,1 m2 so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); đồng thời xem xét lại việc chuyển đổi 100 m2 còn lại từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở nhưng lại áp theo mức giá đền bù phần đất ở 1,6 tỷ đồng là chưa phù hợp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, Chủ tịch Hội đồng bồi thường của huyện-cho biết: Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua huyện Đak Pơ có 2 đoạn tuyến. Trong đó, tuyến nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công; tuyến tránh thị xã An Khê (đoạn qua huyện Đak Pơ) hiện đã bàn giao mặt bằng 1,9/2,1 km (đạt 90,5%).
Theo ông Hơn, đoạn tuyến tránh này có 93 hộ gia đình, cá nhân thuộc diện đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 10 phương án bồi thường cho 93 hộ dân, hiện đã chi trả 90/93 trường hợp, còn lại 3 hộ chưa nhận tiền. Trong đó, hộ ông Đặng Văn Thái-bà Lê Thị Thanh Thúy cơ bản thống nhất phương án bồi thường, Hội đồng bồi thường của huyện sẽ chi trả tiền.
“Riêng trường hợp hộ ông Nhựt và ông Thuyết có ý kiến về giá bồi thường đất trồng cây lâu năm thấp, Hội đồng bồi thường của huyện đã giải thích, tuyên truyền, vận động, gửi văn bản trả lời tất cả những đề nghị, thắc mắc của họ; đồng thời thông báo kết quả áp giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng đến nay 2 gia đình này vẫn chưa thống nhất. Thời gian tới, nếu các hộ này vẫn tiếp tục chưa đồng thuận, huyện sẽ xây dựng phương án cưỡng chế để đảm bảo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công triển khai dự án”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ nhấn mạnh.