Kinh tế

Đak Pơ: Nông thôn "thay áo mới"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của người dân, diện mạo nông thôn ở huyện Đak Pơ, Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng cải thiện.
Tích cực huy động sức dân
Năm 2010, khi bắt tay triển khai xây dựng NTM, qua rà soát, trong 7 xã của huyện Đak Pơ thì có 1 xã đạt 11/19 tiêu chí, 6 xã còn lại chỉ đạt 2-6 tiêu chí. Trước thực tế đó, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở xác định phải tập trung tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều biết, hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, từ đó tự giác chung tay, góp sức cùng địa phương thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Tân An-cho biết: “Xã đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phát động phong trào toàn dân chung tay xây dựng NTM; phân công cán bộ xuống phối hợp với hệ thống chính trị các thôn, làng tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia chương trình; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về các nội dung của chương trình, các mô hình, cách làm hay trong xây dựng NTM trên địa bàn xã cũng như các địa phương khác để bà con biết và làm theo. Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu được những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng NTM đem lại cho mình nên rất tích cực tham gia”.
 Hệ thống đường giao thông nông thôn huyện Đak Pơ được quan tâm đầu tư. Ảnh: N.H
Hệ thống đường giao thông nông thôn huyện Đak Pơ được quan tâm đầu tư. Ảnh: N.H
Chỉ sau một thời gian tuyên truyền, vận động, đa số người dân ở huyện Đak Pơ đã đồng tình chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nổi bật là việc người dân tích cực tham gia phong trào thắp sáng đường thôn, thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh... Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã huy động được 53.244 ngày công lao động (quy đổi thành tiền là hơn 5,2 tỷ đồng), chủ yếu đóng góp vào xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Người dân cũng đã hiến gần 54 ngàn m2 đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và hoa màu trên đất để đóng góp vào quá trình hoàn thiện các công trình công cộng của địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.
Nông thôn khởi sắc
Trong 10 năm xây dựng NTM, huyện Đak Pơ đã tranh thủ huy động từ nhiều nguồn vốn được hơn 314,4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã. Kết quả, toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 137,22 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp 30 công trình ao, bàu, đập, trạm bơm điện; kiên cố hóa 1,97 km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 100 hạng mục cơ sở vật chất trường học; hỗ trợ sửa chữa các trạm biến áp, đường điện dẫn đến các hộ dân; xây mới, cải tạo 19 công trình trụ sở xã, nhà làm việc các đơn vị cấp xã, Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã và 64 công trình cơ sở vật chất văn hóa cấp thôn, làng bao gồm trụ sở thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà rông; xây mới, cải tạo, nâng cấp 5/7 trạm y tế xã để đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Cùng với đó, huyện đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để triển khai 80 mô hình phát triển sản xuất cho nông dân trên địa bàn; mở 68 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.
Đến nay, toàn huyện đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Hà Tam, Tân An, Cư An và Phú An. Thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn đạt 32,65 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến hết năm 2018 còn 8%; trên 30% lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo. Mỗi xã có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 83,36%; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 70% thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa...
“Mặc dù chương trình xây dựng NTM của huyện đã thu được những kết quả nhất định song vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể như việc phân bổ vốn xây dựng, vốn phát triển sản xuất còn chậm dẫn tới các xã bị động trong quá trình triển khai; các hình thức sản xuất chưa đa dạng và bền vững nên thu nhập của người dân nông thôn còn bấp bênh… Thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về NTM đối với các xã nằm trong lộ trình bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nội lực trong dân, vận động nhân dân đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập, tiếp tục nhân rộng thôn, làng điển hình về NTM. Với các xã đã đạt chuẩn NTM, huyện sẽ tiếp tục có những giải pháp để duy trì, nâng cao các tiêu chí”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết.
 NGUYỄN HIỀN

Có thể bạn quan tâm