Điểm đến Gia Lai

Đak Pơ quyết tâm về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2022, ngoài việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với 4 xã đã đạt chuẩn NTM, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đang tập trung hỗ trợ 3 xã còn lại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Nỗ lực đạt tiêu chí thu nhập, hộ nghèo

Đến nay, huyện Đak Pơ đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại gồm: An Thành, Yang Bắc và Ya Hội đạt 15-17 tiêu chí. Cả 3 xã đang gặp khó ở 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của 3 xã trên chỉ đạt 32-35 triệu đồng, cách khá xa so với quy định là 42 triệu đồng. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giá các mặt hàng nông sản bấp bênh, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

   Hệ thống hạ tầng giao thông xã Yang Bắc được quan tâm đầu tư đồng bộ. Ảnh: Quang Tấn
Hệ thống hạ tầng giao thông xã Yang Bắc được quan tâm đầu tư đồng bộ. Ảnh: Quang Tấn


Theo ông Trương Công Hạnh-Chủ tịch UBND xã An Thành, đến nay, xã đã đạt 17/19 tiêu chí. Để đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2022, bên cạnh phát huy nội lực, xã cũng tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các đơn vị quân đội. Đồng thời, xã đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Song song với đó, xã tiếp tục vận động người dân quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam nhằm giải quyết tình trạng lao động nhàn rỗi, vừa tăng thu nhập cho gia đình. “Xã có nguồn lao động dồi dào, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 3.000 ha, phù hợp cho phát triển cây ăn quả, chăn nuôi bò, dê… Do đó, xã rất mong huyện và tỉnh tạo điều kiện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như tạo việc làm cho người dân. Trước mắt, xã tập trung giải quyết tiêu chí thu nhập”-ông Hạnh nhấn mạnh.

Còn ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc thì cho hay: Đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí. Bên cạnh giữ vững, nâng cao các tiêu chí đã đạt được, xã đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu đến cuối năm 2022 trở thành xã NTM. Cụ thể, xã phổ biến và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai để người dân được biết và áp dụng vào sản xuất. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Gia đình anh Đinh Oeng (làng Jun, xã Yang Bắc) là một trong những điển hình về tinh thần nỗ lực vươn lên ở huyện Đak Pơ. Anh phấn khởi nói: “Được cán bộ xã hướng dẫn, hỗ trợ, tôi đầu tư trồng 3 sào ớt. Nhờ sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện vườn ớt đang thu hoạch đợt 1. Với giá bán 25-30 ngàn đồng/kg, gia đình có khoản thu nhập khá. Ngoài ra, mỗi ngày, gia đình còn tạo việc làm cho 8-10 lao động. Sắp tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con cùng phát triển các loại cây ngắn ngày để thay thế cây mì cho hiệu quả kinh tế thấp”.

Quyết tâm về đích NTM

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Với mục tiêu trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào cuối năm 2022, Phòng đã phối hợp với UBND 3 xã An Thành, Ya Hội, Yang Bắc rà soát, đánh giá từng tiêu chí. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thực hiện và phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, các cơ quan, đơn vị phụ trách đôn đốc, hỗ trợ các xã. Đối với những tiêu chí đã đạt chuẩn thì duy trì và nâng cao chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn 3 xã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia; khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, huyện tập trung khai thác công trình thủy lợi hồ chứa nước Tầu Dầu 2. Từ đó, xây dựng các vùng chuyên canh rau theo hướng bền vững gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Công trình thủy lợi hồ chứa nước Tầu Dầu 2 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội huyện Đak Pơ. Ảnh: Quang Tấn
Việc khai thác công trình thủy lợi hồ chứa nước Tầu Dầu 2 sẽ góp phần giúp huyện Đak Pơ xây dựng các vùng chuyên canh rau theo hướng bền vững gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Quang Tấn


Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đối với tiêu chí môi trường, huyện rất mong được tỉnh quan tâm gỡ khó. Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đạt chuẩn. “Chúng tôi phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu giúp UBND huyện xây dựng phương án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, rác sinh hoạt theo công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu với quy mô 12-15 tấn/ngày. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 14,2 tỷ đồng, trong đó, khả năng đối ứng từ ngân sách huyện 1 tỷ đồng và đề xuất kinh phí từ ngân sách tỉnh hơn 13,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, huyện vẫn chưa nhận được thông báo của cấp trên về việc xem xét, bố trí kinh phí. Cùng với đó, tỉnh cần sớm ban hành bộ tiêu chí xây dựng NTM để địa phương có cơ sở triển khai trong giai đoạn mới”-ông Hiệp nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đak Pơ sẽ nỗ lực khắc phục, quyết tâm về đích NTM. Trong đó, tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, huy động nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, nhất là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; áp dụng các biện pháp khoa học, cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa cơ giới vào sản xuất mía, mì trên diện tích phù hợp cũng như chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, trồng rừng sản xuất để nâng cao thu nhập. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

“Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm “Rau Đak Pơ”. Cùng với đó, công trình thủy lợi hồ chứa nước Tầu Dầu 2 cũng hoàn thành đưa vào phục vụ tưới cho 150 ha lúa nước 2 vụ và hơn 400 ha hoa màu. Đây sẽ là động lực để huyện tập trung phát triển các vùng chuyên canh rau theo hướng bền vững, đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá, khai thác có hiệu quả thương hiệu “Rau Đak Pơ”, qua đó góp phần giữ vững và mở rộng thị trường. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như giải quyết việc làm cho người dân”-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết thêm.

 

 QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm