Kinh tế

Tài chính

Đak Pơ ưu tiên nguồn vốn cho thành viên hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong bối cảnh hợp tác xã không có tài sản đảm bảo để vay vốn thì việc thành viên các hợp tác xã tại huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay vốn là phương án khả thi, góp phần phát triển kinh tế hợp tác ở khu vực nông nghiệp-nông thôn.
 

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành (xã An Thành, huyện Đak Pơ) được thành lập vào tháng 8-2019. Với phương châm lấy lợi ích của thành viên làm gốc, sự phát triển của từng thành viên là nền tảng cho sự phát triển của hợp tác xã, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành đã xây dựng mô hình “mua chung-bán chung” nhằm hỗ trợ thành viên lựa chọn giống cây trồng-vật nuôi phù hợp, liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho thành viên và bà con nông dân.

 Anh Huỳnh Hữu Nghị-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành giới thiệu mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây ăn quả của thành viên hợp tác xã. Ảnh: S.C
Anh Huỳnh Hữu Nghị-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành giới thiệu mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây ăn quả của thành viên hợp tác xã. Ảnh: Sơn Ca


Là thành viên của Hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Minh (thôn 5, xã An Thành) đang thực hiện chuyển đổi hầu hết diện tích trồng mía sang trồng nhãn Hương Chi, kết hợp mô hình chăn nuôi hươu sao, nuôi cá, nuôi bò sinh sản. Mô hình này phát triển tốt, mỗi năm gia đình ông Minh đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Ông Minh chia sẻ: “Bên cạnh vốn tích lũy thì tôi cũng phải vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư chăm sóc cho cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả hơn. Hiện tôi vẫn còn 5-6 sào đất trống nên rất muốn vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng diện tích cây trồng”. 

Trong những tháng đầu năm 2020, đã có 16/18 thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ cho vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng/hộ. Nhờ vốn vay, nhiều bà con đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò, chuyển đổi từ cây mía sang các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Anh Huỳnh Hữu Nghị-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành-cho biết: “Trở ngại lớn nhất của Hợp tác xã là không có tài sản thế chấp đảm bảo để vay vốn ngân hàng. Hiện nay, riêng vốn điều lệ 100 triệu đồng, thành viên đóng góp cũng đã khó khăn rồi. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho từng thành viên vay vốn chính là góp phần gỡ khó về vốn cho thành viên và cho Hợp tác xã. Gia đình tôi cũng được Ngân hàng cho vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất”.  

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, các thành viên của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành (Đak Pơ) chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế. Ảnh: Sơn Ca
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế. Ảnh: Sơn Ca


Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ-cho biết: “Hiện nay có 16 thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành được vay tín chấp với tổng số vốn 530 triệu đồng. Đến nay nguồn vốn vay đã được bà con đầu tư vào sản xuất khá hiệu quả”.

Bà Thảo cũng thông tin, để tháo gỡ trong sản xuất kinh doanh, một số thành viên Hợp tác xã có nguyện vọng tăng mức vay lên 100 triệu đồng. Về phía Ngân hàng vẫn đáp ứng được nguồn vốn nhưng hộ vay phải thực hiện đảm bảo tiền vay theo quy định.

Được biết, ngoài thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành, 6 tháng đầu năm 2020 còn có 9 thành viên Hợp tác xã An Bình (thị xã An Khê) vay tổng cộng 306 triệu đồng; 2 thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tú An (thị xã An Khê) vay tổng cộng 80 triệu đồng.   

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm