TN - Đất & Người

Đak Rong-Điểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được thành lập năm 2011, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Đak Rong với sự nỗ lực của nhà trường và sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, nhân dân cùng vượt qua khó khăn. Từ cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh bỏ học nhiều, khó trăm bề, đến nay, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Đak Rong là điểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh và toàn quốc.

Nằm cách trung tâm huyện 60 km, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 96%, trong đó học sinh con hộ nghèo gần 45% nên việc duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng học tập luôn là nỗi lo của mỗi giáo viên.

 

Một tiết học của Trường PTDTBT TH Đak Rong. Ảnh: N.T
Một tiết học của Trường PTDTBT TH Đak Rong. Ảnh: N.T

Vượt qua trăm bề
         
Những năm đầu thành lập, cơ sở vật chất lớp học, đồ dùng học tập, việc sinh hoạt bán trú như nước, thư viện, bóng mát... đều không đảm bảo. Học sinh đa số là dân tộc Bahnar nên việc tiếp thu bài còn khó khăn. Cuộc sống còn nghèo và lạc hậu, cha mẹ không quan tâm đến việc học tập của con em dẫn đến tỷ lệ học sinh yếu tiếng Việt chiếm từ 60% đến 70%.

Em Đặng Thị Xuyến (học sinh lớp 5A), trước khi đi học em phải lên rẫy với bố mẹ, về nhà phải lo cơm nước, dọn dẹp, em không còn thời gian để đi học nữa. Nhưng được thầy cô đến tận nhà vận động cha mẹ em, khuyên nhủ em và giúp đỡ về vật chất. Đến nay em có thể đến trường học bán trú cùng bạn bè. Xuyến tâm sự: “Khi ở nhà, cháu giúp nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giặt đồ, lên trường em được các bạn, thầy cô, được học cùng các bạn, em thấy rất là vui. Em rất muốn được đi học để vui chơi cùng các bạn”.  

Địa bàn của trường nằm xa trung tâm huyện, nhiều điểm trường lẻ cách xa vài chục cây số, đường đất quanh co nên việc nắm bắt thông tin còn hạn chế và chưa kịp thời, việc đi lại của cán bộ, giáo viên trong mùa mưa còn gặp nhiều khó khăn. Trường có 9 điểm trường cách xa trung tâm hơn 20 km, điều kiện kinh tế các làng còn nghèo khó nên tình trạng học sinh đi học không chuyên cần diễn ra thường xuyên. Những đêm khuya từ 7 giờ đến 12 giờ nhà trường phải đi vận động học sinh liên tục, kể cả những hôm mưa tầm tã, đường lầy lội, trơn trượt, nhà trường phải phân công các giáo viên đưa đón học sinh... Lâu dần, cha mẹ các em cũng tin tưởng giao con em mình cho nhà trường.

 

Các em say mê đọc sách trong thư viện của trường. Ảnh: N.T
Các em say mê đọc sách trong thư viện của trường. Ảnh: N.T

Được sự đồng thuận của phụ huynh để đưa các em đến lớp đã khó, bây giờ nuôi dạy bán trú cho các em còn gặp nhiều khó khăn hơn. Để có nguồn cung cấp chăm sóc, nuôi dưỡng các em, nhà trường đã khảo sát khả năng tiềm lực của từng làng, từng bậc cha mẹ học sinh. Làng có khả năng ủng hộ về cây cảnh, làng có khả năng ủng hộ về gỗ xây dựng, làng có khả năng ủng hộ về công thợ mộc, làng có khả năng ủng hộ về trồng cỏ... nhà trường sẽ vận động đóng góp những thứ có sẵn đó và đặt vấn đề, phân công trách nhiệm cho mỗi nhóm.

Thầy Nguyễn Văn Linh-Chủ tịch Công đoàn Trường PTDTBT TH Đak Rong cho biết: “Bên cạnh việc huy động các nguồn lực tại địa phương nhà trường cũng phải cho toàn thể nhân dân thấy rõ sự cố gắng không ngừng của mình như tăng gia sản xuất nuôi heo (4 tấn/năm), trồng rau, nuôi gà, nuôi chim... để cải thiện thức ăn cho các em đồng thời cũng tiết kiệm để cùng với các bậc phụ huynh xây dựng trường lớp ngày một khang trang hơn”.

Từ những đóng góp đó, nhà trường đã tạo ra những công trình, sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, học tập của học sinh như thư viện, nhà sàn, đường hiệu bộ... Đặc biệt, nhà trường chú trọng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh, thể trạng học sinh thay đổi, phát triển từng ngày. Ông Phạm Quốc Tuấn-Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Đak Rong cho biết: “Điều quan trọng nhất là phải tạo niềm tin cho phụ huynh bằng cách nuôi học sinh ra sao? Ăn, ở thế nào? và các hoạt động vui chơi thế nào để khi về nhà phụ huynh thấy con em mình đang phát triển tốt hơn ở nhà. Từ những thay đổi đấy, phụ huynh sẽ tin tưởng nhà trường”.

 

Cô trò Trường PTDTBT TH Đak Rong. Ảnh: N.T
Cô trò Trường PTDTBT TH Đak Rong. Ảnh: N.T

Điểm sáng của toàn tỉnh

Các công trình được vận động từ cha mẹ học sinh lần lượt được hình thành. Đến nay, hệ thống khuôn viên nhà trường đã được tôn tạo với 200 cây xanh bóng mát, có 4 nhà sàn, 1 thư viện với tổng diện tích 600 m2, đường hiệu bộ dài 200 mét, sân bóng đá mi ni, tổng diện tích trồng cỏ xung quanh sân bóng và vườn trường 2.000 m2, mọi công trình được thiết kế hài hòa, thẩm mỹ và khoa học tạo một không gian thoáng mát phục vụ tích cực và hiệu quả cho mọi hoạt động vui chơi và học tập cho các em. Vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, việc trang trí lớp học theo mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được đội ngũ giáo viên, học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay đã có 15/15 lớp có góc học tập, góc nghệ thuật, góc thiên nhiên, thư viện góc lớp... tạo cho lớp học thêm sinh động, hấp dẫn và đẹp mắt để cuốn hút học sinh có ý thức tự học, bảo vệ môi trường xung quanh. Nói về mô hình xã hội hóa giáo dục của Trường PTDTBT TH Đak Rong, ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo nhận xét: “Trường PTDTBT TH Đak Rong là trường làm tốt nhất về công tác xã hội hóa trong hệ thống trường PTDTBT và theo đánh giá của Bộ GD-ĐT thì đánh giá PTDTBT tốt nhât đối với trong toàn quốc. Để đạt được kết quả này, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc về công khai minh bạch các nguồn lực mà xã hội đã đóng góp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó, đặc biệt là nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và tạo niềm tin với phụ huynh học sinh trên địa bàn. Vì thế phụ huynh họ sẵn sàng đóng góp với khả năng năng lực của mình khi nhà trường cần”.
                                                                                                                                                                            

Bữa ăn cho học sinh luôn được nhà trường chăm lo, đảm bảo chất lượng. Ảnh: N.T
Bữa ăn cho học sinh luôn được nhà trường chăm lo, đảm bảo chất lượng. Ảnh: N.T

Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: “Đây là sự phấn đấu nỗ lực của chính quyền địa phương, thầy-cô giáo, toàn thể phụ huynh học sinh đã ra sức đóng góp. Mô hình này đã đưa các cháu đến trường đầy đủ, sung sướng hơn gia đình mình vì ở đây có tình thương của thầy cô như cha mẹ. Thầy cô đã lo từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa học hành cho các cháu. Huyện Kbang đang nhân rộng mô hình bán trú này, đến năm 2016-2017 sẽ bổ sung 2 trường bán trú, nâng số trường lên 9 trường. Về phía huyện, kinh phí, chế độ rất thấp nâng số cháu học lên, giảm cấp dưỡng, tạm thời xuất ngân sách chi hỗ trợ cấp dưỡng. Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên để có cơ chế giải quyết chế độ chính sách kịp thời, để mô hình bán trú thực hiện tốt hơn để các cháu dân tộc thiểu số đến trường và để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học các trường PTDTBT ngang bằng với các trường phổ thông”.

Ngọc Thu-Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm