(GLO)- Xã Đak Smar (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có 344 hộ dân với hơn 1.500 khẩu nhưng có đến 77 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 22,38%. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, cùng với sự hỗ trợ từ cấp trên, cấp ủy và chính quyền xã Đak Smar đang triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Hầu hết các hộ dân ở xã Đak Smar nằm trong diện tái định cư của công trình thủy điện An Khê-Ka Nak. Do đó, nhà cửa, điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản, kiên cố. Dẫu vậy, những năm qua, người dân nơi đây vẫn loay hoay tìm hướng thoát nghèo dù đã ổn định nơi ở. Bà Trương Thị Hạnh Nhân-Chủ tịch UBND xã Đak Smar-lý giải: Xã gặp khá nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo bởi tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 79% với tập quán sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, kinh tế của xã Đak Smar phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đường sá xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân, hệ thống nước sinh hoạt cũng không ổn định. “Cơ cấu trong nông nghiệp còn mất cân đối, người dân chủ yếu canh tác các loại cây ngắn ngày như: lúa, mì, đậu… mà ít tập trung vào các cây công nghiệp mang tính bền vững như: cà phê, cao su”-bà Nhân giãi bày.
Anh Đinh Chinh (thôn 1) chăm sóc con dê được Nhà nước hỗ trợ với hy vọng sẽ sớm thoát nghèo. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Thời gian gần đây, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, xã Đak Smar đã có những định hướng cụ thể, thiết thực giúp người dân phát huy nguồn lực, ổn định sản xuất và đời sống. Bà Nhân cho biết: Xã cử cán bộ phối hợp với người dân tìm nguồn nước, cải tạo đồng ruộng để tăng diện tích lúa nước. Với những khu vực đất đồi cằn cỗi, không phù hợp các loại cây ngắn ngày, xã vận động người dân chuyển sang trồng rừng. Một số cây trồng mới như: mắc ca, cam cũng được thử nghiệm để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng. Ngoài ra, UBND xã còn tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập.
Đặc biệt, từ năm 2019, UBND xã Đak Smar vận động Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh-Kbang tiếp nhận người dân tộc thiểu số tại địa phương vào làm công nhân. Ông Nguyễn Bá Sỹ-Giám đốc Công ty-cho hay: Công ty có khoảng 470 ha cao su đã đến thời kỳ khai thác nên cần số lượng lớn công nhân. Ban đầu, người dân còn e ngại nên không mạnh dạn đăng ký. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Công ty mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiền ăn và xăng xe 100 ngàn đồng/người/ngày để người dân mạnh dạn tham gia. Ngoài ra, Công ty đảm bảo mức lương ổn định tối thiểu trên 7 triệu đồng/người/tháng.
“Chúng tôi có chính sách khuyến khích công nhân tích cực làm việc. Có cặp vợ chồng siêng năng, làm tốt hưởng lương 19 triệu đồng/tháng. Người dân địa phương thấy thu nhập cao nên đã đăng ký làm công nhân. Hiện tại, Công ty đã tuyển dụng 130 công nhân tại địa phương, 98% là người Bahnar. Chúng tôi đề nghị được tạo điều kiện lập dự án mở rộng diện tích trồng cao su để tạo việc làm cho người dân nhiều hơn, bởi nhu cầu còn rất lớn”-ông Sỹ cho biết.
Thôn có 120 hộ thì có đến hơn 50 hộ làm công nhân cạo mủ cao su. Ngoài làm công nhân, người dân trong thôn còn dành thời gian để canh tác nông nghiệp. Một số hộ đã mạnh dạn trồng thêm cà phê, cao su hay chăn nuôi bò, dê nên cải thiện thu nhập. Nhờ vậy, thôn 1 chỉ còn 6 hộ nghèo. Gia đình anh Đinh Chinh đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo vào năm 2022. Anh Chinh tâm sự: “Vợ chồng mình làm công nhân cạo mủ được gần 2 năm nay. Làm công nhân đòi hỏi phải dậy sớm, vất vả một chút nhưng đời sống ổn định hơn rất nhiều, vẫn còn thời gian để chăm sóc ruộng rẫy kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, mình được Nhà nước hỗ trợ 1 con dê sinh sản để làm sinh kế. Do đó, vợ chồng mình đăng ký thoát nghèo”.
LÊ VĂN NGỌC