TN - Đất & Người

Đảm bảo an toàn người dân từ nguy cơ vỡ 'quả bom nước' 1,2 triệu m3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền tỉnh Đắk Nông cần phải có cảnh báo 'nguy cơ khẩn cấp' với người dân ở phía dạ du đập thủy lợi Đăk N'Ting.
Cảnh báo sạt lở trên thân đập hồ Đắk N’ting, huyện Đăk G’long, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Vietnam+ phát)

Cảnh báo sạt lở trên thân đập hồ Đắk N’ting, huyện Đăk G’long, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Vietnam+ phát)

Sau nhiều ngày mưa lớn, thân và chân đập thủy lợi Đắk N’Ting tại huyện Đăk G’long (tỉnh Đắk Nông) đã xuất hiện nhiều vết nứt, một mé phần đồi đang bị sụt lún với diện tích lớn khiến “quả bom nước” lên tới 1,2 triệu m3 có nguy cơ bị vỡ. Hàng chục hộ dân đã phải sơ tán.

Liên quan đến thông tin trên, chiều nay, 7/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - ông Trịnh Xuân Hòa cho biết thông thường tại những khu vực có biểu hiện sạt lở mà đã có vết nứt rồi thì nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở là rất cao.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng cho biết ông có theo dõi thông tin về tình hình sụt lún liên quan đến đập thủy lợi Đắk N’Ting.

Theo ông Trịnh Xuân Hòa, với những biểu hiện sụt lún, nứt toác ở phần thân và chân đập thủy lợi Đắk N’Ting thì nguy cơ xảy ra những đợt sụt lún tiếp theo là rất lớn.

Do vậy, ông Hòa khuyến cáo ngoài những hộ dân đã sơ tán, chính quyền địa phương cần tiếp tục có cảnh báo nguy cơ khẩn cấp với người dân ở phía dạ du con đập.

“Đã có nguy cơ thì phải có cảnh báo. Việc này không thể chủ quan. Quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho người dân,” ông Hòa lưu ý thêm.

Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’long) - ông Lê Đình Tuấn thông tin vết nứt, sụt lún xuất hiện ở đập và xung quanh hồ chứa nước Đắk N’Ting xảy ra từ ngày 1/8. Đến nay, vết nứt khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500m và chưa có chiều hướng dừng lại.

Phần đồi bên phải đập đang bị sụt lún với diện tích khoảng 10 hécta là đất hoa màu của dân. Ước tính có gần một triệu m3 đất có nguy cơ bị sạt trượt. Thân đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Đường trên thân đập bị nứt gãy...

Dự án hồ thủy lợi Đắk N’Ting có tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng; sức chứa hơn 1,2 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho gần 700 ha cây trồng xã Quảng Sơn.

Để đảm bảo an toàn, chính quyền xã đã chốt chặn các lối ra vào đập thủy lợi Đắk N’Ting và sơ tán 34 hộ trong khu vực có nguy cơ. Ngoài ra, địa phương này cũng đang rà soát, lên phương án di dời thêm 140 hộ dân ở Đắk N’Ting.

Tại buổi khảo sát hiện trạng hồ Đắk N’Ting vào sáng nay, 7/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định tình trạng mất rừng đã làm thay đổi dòng chảy bề mặt và quá trình tưới tiêu của người dân là nguyên nhân làm dòng chảy ngầm thay đổi. Đây cũng là lý do dẫn tới sạt lở đất nêu trên.

Cũng theo ông Hiệp, vừa qua Tây Nguyên xuất hiện thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn, gấp 2 đến 2,5 lần so với lượng mưa hàng năm.

Yếu tố mưa, sự tác động của con người khiến các công trình đang làm tạo ra tổ hợp bất lợi, dẫn đến sạt lở khá nhiều điểm khác nhau ở Tây Nguyên. Trong đó, hồ thủy lợi Đắk N’ting và một loạt cơ sở trường học Đắk Nông bị sạt trượt.

Ông Hiệp cũng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp sửa lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về các công trình hồ đập ở trên cả nước.

Thân đập hồ Đắk N’ting. (Ảnh: Vietnam+ phát)
Thân đập hồ Đắk N’ting. (Ảnh: Vietnam+ phát)

Đối với đập thủy lợi Đắk N’Ting, ông Hiệp đề nghị tỉnh Đắk Nông cân nhắc, khẩn trương có giải pháp để đảm bảo an toàn đập cũng như xây dựng kỹ các kịch bản ứng phó trong tình huống vỡ đập; tỉnh triển khai sớm các nội dung này trong vòng 15 ngày vì đây là khoảng thời gian “vàng” trước khi đợt mưa lũ tiếp theo được dự báo.

Liên quan đến vấn đề trên, các chuyên gia trong đoàn công tác cũng cho rằng tỉnh Đắk Nông cần tính toán, triển khai ngay các giải pháp để hạ thấp mực nước trong hồ. Đây là việc làm cần thiết để hạn chế nguy cơ vỡ đập cũng như chủ động ứng phó với các đợt mưa, lũ sắp tới.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần triển khai sớm công tác quan trắc, đo đạc lại địa hình, theo dõi chặt chẽ các vết nứt trên thân đập, hai vai đập để có giải pháp xử lý phù hợp.

Có thể bạn quan tâm