Kinh tế

Đảm bảo lượng tiền lưu thông trong dịp Tết Bính Thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng tiền mặt tăng mạnh. Để đảm bảo giao dịch được thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước-chi nhánh Gia Lai đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn có kế hoạch thực hiện cụ thể việc cung ứng kịp thời các dịch vụ thanh toán, tài chính phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo hệ thống máy giao dịch tự động hoạt động an toàn, thông suốt…

Tránh sự cố giao dịch ATM

Công nhân viên và người lao động là hai đối tượng chính sử dụng dịch vụ giao dịch tiền mặt tự động (ATM). Ngoài tiền lương, dịp Tết hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đều có thưởng và một số khoản phụ cấp, trợ cấp, do đó lượng giao dịch tại các máy ATM sẽ tăng lên rất lớn.

 

Ảnh: Cao Nguyên
Ảnh: Cao Nguyên

Hiện nay, mạng lưới của 18 ngân hàng thương mại trên địa bàn được mở rộng với 111 điểm giao dịch (TP. Pleiku 52 điểm; các huyện, thị xã 59 điểm), song song với đó, các ngân hàng chú trọng đến việc lắp đặt thêm máy ATM, POS (máy chấp nhận thanh toán qua thẻ) để nhu cầu giao dịch của người dân được thuận lợi hơn. Trong năm 2015, đã lắp đặt thêm 11 máy ATM, nâng tổng số máy ATM trên toàn tỉnh lên con số 167; đồng thời lắp đặt thêm 36 máy POS nâng tổng số lên 836 POS. Tổng số thẻ phát hành lên đến hàng trăm ngàn thẻ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai rộng rãi công tác thanh toán không dùng tiền mặt, nên đến nay đã có 1.488 đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản, tăng 161 đơn vị so cuối năm 2014 với 46.630 thẻ, tăng 6.374 thẻ so đầu năm.

Dù không ồ ạt, chen lấn rút tiền khi cao điểm như những thành phố lớn, nhưng theo tính toán, dịp Tết lượng giao dịch tại các máy ATM tăng mạnh so ngày thường, vì vậy các ngân hàng thương mại đã chủ động lượng tiền đầy đủ, phân công công tác tiếp quỹ kịp thời để phục vụ nhu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ ATM. Dự kiến, lượng giao dịch bình quân sẽ đạt khoảng 250 giao dịch/máy/ngày (tăng khoảng 40% so ngày thường), tương ứng lượng tiền giao dịch khoảng 250-300 triệu đồng/máy/ngày.

Ngoài việc bảo trì, bảo dưỡng máy ATM, tăng lượng tiền dự trữ, các chi nhánh ngân hàng thương mại đều cho biết sẽ phân công lịch trực, ca trực trong những ngày nghỉ Tết để công tác tiếp quỹ được kịp thời; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình dịch vụ, giải quyết nhanh việc bị máy nuốt thẻ, hay các sự cố khác…


Không đưa thêm tiền lẻ, tiền mới vào lưu thông

Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Tại cuộc họp mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các chi nhánh địa phương chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuẩn bị đầy đủ lượng tiền mặt, cơ cấu đủ các loại tiền phục vụ cho lưu thông. Trên cơ sở lượng tiền lẻ, cơ cấu sao cho phù hợp, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì thu đổi thuận lợi cho người dân và không thu phí. Đặc biệt, trong dịp Tết sẽ không có chủ trương đưa thêm tiền lẻ, tiền mới vào lưu thông.

Trước đây, tiền lẻ, tiền mới rất được người dân quan tâm, nhiều người đã đăng ký hoặc nhờ người làm trong ngành ngân hàng đổi dùng để lì xì, đi chùa chiền, tuy nhiên với chủ trương này, năm nay tiền mới sẽ tiếp tục “nóng”, nhất là tiền có mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng. Do đó, các ngân hàng cũng đã lên kế hoạch điều hòa cơ cấu lượng tiền lẻ, tiền mới cho hợp lý. Trong khi ngân hàng khan hiếm thì không loại trừ việc đổi tiền mới có thu phí bên ngoài, đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt đến 40 triệu đồng theo Nghị định 96 của Chính phủ.

Theo ông Cư, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ duy trì dự trữ lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng đủ tiêu chuẩn để đảm bảo cung ứng nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết. Việc hạn chế đưa tiền mệnh giá nhỏ sẽ giảm bớt sự lưu chuyển đi các nơi phục vụ trong các hoạt động tín ngưỡng, qua đó tiết kiệm được kinh phí in ấn, vận chuyển, cũng như việc kiểm đếm được thuận lợi hơn, đảm bảo yêu cầu về an toàn kho quỹ.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm