Công trình thủy lợi hồ chứa nước Krông Pách thượng (Bộ NNPTNT) đầu tư xây dựng ở Đắk Lắk vẫn đang thi công dang dở, chưa đi vào hoạt động và dân trong hồ đang trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Hiệu quả của dự án thế kỷ này đem lại cho dân như thế nào tạm chưa bàn đến nhưng nó đã và đang để lại quá nhiều "tai tiếng" cho Bộ NNPTNT lẫn chính quyền tỉnh Đắk Lắk.
Một người dân xã Cư San, cõng con sau lưng, trùm áo mưa đứng lặng nhìn ra phía lòng hồ Krông Pách thượng - nơi nước lũ đang dâng cao sau bão số 12. Ảnh: Bảo Trung |
Bão số 12 quét qua khu vực tỉnh Đắk Lắk dù chưa gây thiệt hại quá lớn về người lẫn tài sản cho khu vực lòng hồ Krông Pách thượng (địa phận xã Cư San, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) nhưng đã cho thấy rất nhiều bất cập trong công tác chủ động giúp dân phòng chống thiên tai của chính quyền xã, huyện lẫn các chủ đầu tư dự án.
Trước khi bão đổ bộ, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk đã liên tục ra các thông báo phòng, chống lũ lụt, an dân, bố trí bà con vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Làm vậy là đúng, ít nhất là trong thời điểm gió mưa bão bùng.
Nhưng ở lòng hồ Krông Pách thượng thì lại khác !
Chiều 10.11, khu vực nói trên nước trắng xóa cả một vùng, các mốc cao trình trọng yếu đã ngập. Lũ chính thức chạm tới nhà dân. Bà con nhìn ra bãi bồi, cánh đồng trước đây vốn là nơi trồng trọt, mưu sinh không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
Họ đã đợi chờ được bồi thường, di dân, bố trí tái định cư đã 11 năm và còn đến bao giờ?
Thực trạng hiện nay ở hồ Krông Pách thượng đã được dự báo trước từ rất lâu. Bộ NNPTNT không ít lần cảnh báo UBND tỉnh Đắk Lắk nếu không di dời sớm dân thì một khi mưa lớn, nước hồ dâng cao sẽ rất nguy hiểm cho bà con.
Ấy vậy mà đến tận thời điểm hiện tại, BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT Đắk Lắk (Ban A) vẫn còn để hơn 600 hộ dân sống trong vùng lòng hồ, chưa đưa họ đến nơi an toàn. Mặc khác, Ban này còn liên tục bị Bộ NNPTNT phê bình, đánh giá yếu kém khi giải ngân vốn đầu tư công thấp, chưa đạt yêu cầu.
Câu tục ngữ "Nước đến chân mới nhảy" - áp dụng rất thỏa đáng khi nói về sự làm ăn tắc trách của chính quyền xã, huyện lẫn Ban A đối với người dân.
Đồng ý, có lực lượng biên phòng huyện, dân quân tự vệ xã... túc trực 24/24 để sẵng sàng di dân đến nơi an toàn một khi có biến cố chẳng ai mong muốn xảy ra. Nếu trước đó, các bên liên quan xử lý hợp tình hợp lý, vận hành tốt, khéo léo công tác tuyên truyền vận động người đồng bào dân tộc thiểu số di dời đến nơi cao ráo, an toàn trong mùa mưa bão rồi chờ kiểm đếm, trích lục bản đồ, thẩm định phương án bồi thường thì mọi chuyện có thể sẽ khác.
Đêm xuống, một người phụ nữ bế vội con nhỏ xuống thuyền máy mong được đưa sang bờ để ra trung tâm thị trấn nhưng bị mọi người kiên quyết cản lại: "Đi giờ này nguy hiểm lắm, lỡ thuyền ra giữa hồ gặp sự cố sẽ chẳng có ai cứu được. Đợi sáng trời rồi lên đường".
Sáng 11.11, một đoàn công tác của Bộ NNPTNT lại tiếp tục được cử vào theo dõi, kiểm tra, đánh giá diễn biến phức tạp ở Krông Pách thượng. Phối hợp với đoàn này có Ban A.
Ngoài ra, còn có thêm một đoàn công tác (triển khai độc lập) khác do Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị dẫn đầu cũng về khu vực trên với lý do tương tự.
Trời đã quang, gió tạm ngừng, mưa cũng vừa dứt. Dân lòng hồ có thể an tâm, thở thào nhẹ nhõng vì ít nhất đến thời điểm hiện tại họ không phải bỏ tài sản, chạy lũ trong đêm. Tất cả vẫn được bảo lưu nguyên vẹn.
Nhưng đến khi nào mới thoát khỏi cảnh "trần ai" này mới là điều bà con luôn tâm tư, trăn trở. Và trước khi được bố trí khu tái định cư mới, dân lòng hồ chắc sẽ "khấn phật cầu trời" mong đừng có cơn bão nào ghé ngang qua khu vực này.
BẢO TRUNG (LĐO)