Kinh tế

Dân khổ vì lời hứa... gió bay!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi 2 dự án thủy điện Đak Srông 2 và Đak Srông 2A (do Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư) đi vào hoạt động từ năm 2010 cũng là lúc người dân 4 xã: Đak Kơ Ning, Sơ Ró, Đak Sông và Đak Pling phải chịu cảnh nông sản bị tư thương ép giá. Lời hứa “sẽ làm một con đường tránh thay cho cái ngầm bị ngập do thủy điện tích nước” của chủ đầu tư, sau 4 năm, có lẽ đã bay theo gió.

Cây cầu Đak Pơ Kơ được xây dựng năm 2001 và đưa vào sử dụng năm 2003 (với tải trọng 13 tấn) được coi là con đường duy nhất thông thương giữa 4 xã: Đak Kơ Ning, Sơ Ró, Đak Sông và Đak Pling với thị trấn Kông Chro. Năm 2009, ảnh hưởng của cơn bão số 11 đã làm trôi mố cầu phía Tây, các mố 1, 2, 3 bị nứt. Sau đó, để khắc phục, tỉnh đã đầu tư 1,2 tỷ đồng để gia cố lại toàn bộ 6 trụ và 2 bên đầu mố cầu. Sau khi sửa chữa và gia cố, để đảm bảo an toàn, huyện đã bố trí cắm biển hạn chế tải trọng và có rào chắn để cấm không cho xe trên 13 tấn qua cầu.

 

Toàn cảnh cây cầu Đak Pơ Kơ. Ảnh: H.D
Toàn cảnh cây cầu Đak Pơ Kơ. Ảnh: H.D

Cũng trong năm 2009, một số doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư, trồng bạch đàn trên địa bàn 4 xã này. Và để phục vụ cho công tác vận chuyển (tải trọng cao, không thể qua cầu Đak Pơ Kơ), các doanh nghiệp này đã góp tiền cùng với địa phương làm một cái ngầm phía thượng lưu. Không chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trồng bạch đàn mà cái ngầm này cũng giúp người dân trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Song khi 2 dự án thủy điện Đak Srông 2 và Đak Srông 2A (do Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư) đi vào hoạt động từ năm 2010 cũng là lúc người dân ở đây phải ngậm ngùi chịu cảnh nông sản bị ép giá. Là bởi, khi thủy điện tích nước, nước dâng lên làm ngập ngầm từ 2 mét (mùa khô) đến 4 mét (mùa mưa), theo đó, không xe nào có thể qua lại bằng con đường này.

Điều đó cũng đồng nghĩa xe chuyên chở nông sản chỉ có thể qua lại trên cây cầu Đak Pơ Kơ. Anh Phạm Văn Nhàn-kiểm lâm viên xã Đak Kơ Ning, tổ kiểm lâm địa bàn số 4 (chốt đóng ngay tại đầu cầu Đak Pơ Kơ) cho biết: “Mỗi ngày có khoảng trên 10 lượt xe có trọng tải lớn chở bắp, mì, dưa, mía, gỗ rừng trồng qua cầu. Muốn qua, đến đầu cầu xe buộc phải tăng bo, chuyển tải”.

Việc tăng bo, chuyển tải rõ ràng đã làm chi phí vận chuyển tăng lên do tăng chuyến và thêm phí bốc vác, theo đó, thương lái có cớ ép giá nông sản của người dân (nếu ngoài thị trấn, 1 kg mì có giá 4.000 đồng thì tại các xã này, giá chỉ còn khoảng 2.800-3.000 đồng/kg). Đó là chưa kể vào vụ, việc tăng bo ngay đầu cầu sẽ làm tắc đường, ách tắc giao thông.

Ông Đinh Thanh Hóa- Phó Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning cho hay: “Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên cấp trên. Lãnh đạo tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải đã xuống khảo sát, bàn cách khắc phục. Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai đã cam kết làm một con đường tránh thay cho cái ngầm đã bị 2 công trình thủy điện làm ngập nhưng tới nay, 4 năm rồi, đường vẫn chưa có”.

Theo cam kết, toàn tuyến đường tránh dài khoảng gần 17 km, bắt đầu từ làng Hà Tiên, xã Đak Kơ Ning (nếu qua cầu Đak Pơ Kơ thì ra tới thị trấn khoảng 12 km). Ngay sau khi cam kết, Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai cũng đã tiến hành khảo sát, cho thi công một số hạng mục như làm 2 ngầm, phóng tuyến vài đoạn đường đối phó rồi… để đó.

Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có một đoạn đường ngắn là có thể tạm đi lại được vào mùa khô bằng cách nép sát vào lề, bởi lòng đường là đá tảng lởm chởm, gập ghềnh. Và như lời của Phó Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning: “Nếu con đường tránh này có hoàn thành thì cũng chỉ có thể sử dụng được vài tháng, vì toàn tuyến có tới 3 cái ngầm, mùa khô còn đi được, chứ mùa mưa, nước dâng lên thì chịu”.

Trong khi dân vẫn đang mỏi mòn chờ đường tránh thì ngày 20-6-2013, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép điều chỉnh chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Đak Srông 2 và Đak Srông 2A từ Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai sang Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên. Lời hứa làm đường tránh cho dân của Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai biết bao giờ mới thành hiện thực.

“Đường tránh thì đã vậy rồi, nên nguyện vọng lớn nhất của người dân 4 xã chúng tôi là có một cây cầu. Thêm nữa, con đường từ xã ra thị trấn phải qua 5 con suối, mùa mưa nước lớn, chúng tôi không đi được. Bên cạnh đó, đường cũng đã hư hỏng, xuống cấp rất nặng. Chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm làm đường, làm cầu để dân chúng tôi đỡ khổ!”- ông Đinh Thanh Hóa bày tỏ.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm