TN - Đất & Người

Dân làng Groi 2 đồng lòng làm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù 100% dân làng Groi 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa) sống nhờ vào nghề nông, song bằng tinh thần tự giác cao, sự đồng lòng, đoàn kết, mọi người đã cùng nhau đóng góp gần 2 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công để bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường giao thông trong làng, đem lại diện mạo mới cho thôn làng, góp phần đáng kể vào xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

“Khó trăm bề dân liệu cũng xong”

 
Việc đi lại của người dân trong làng đã dễ dàng hơn trước. Ảnh: P.L
Việc đi lại của người dân trong làng đã dễ dàng hơn trước. Ảnh: P.L

Cách đây chưa đầy mười năm, cũng giống như nhiều ngôi làng khác, hầu hết các đường giao thông trong làng Groi 2 đều là đường đất với ổ voi, ổ gà, gập ghềnh, mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì lầy lội, nhếch nhác khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản của dân làng rất khó khăn.

Bắt đầu từ năm 2011, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai, làng Groi 2 cũng bắt đầu rục rịch họp bàn kế hoạch làm đường giao thông trong làng. “Ban đầu cũng có nhiều ý kiến người dân phản đối lắm vì kinh tế của dân làng đều phụ thuộc vào làm nông. Nhưng với quyết tâm phải làm bằng được, để việc đi lại được thuận tiện hơn, mọi người dần thay đổi suy nghĩ. Nhất là sau khi những đoạn đường đầu tiên hoàn thành, dân làng lại càng trở nên háo hức, sẵn sàng đóng góp để làm tiếp các đoạn đường còn lại”-bok Mlum (sinh năm 1962)-Thôn trưởng làng Groi 2 cho biết. Tuyến đường đầu tiên được làm là đường đi qua trường mẫu giáo của làng, bởi “đó là đường của các cô giáo, các cháu trong làng đi học hàng ngày nên phải ưu tiên làm trước”.

Bằng cách phân chia mức đóng góp của các gia đình theo loại A, B, C (lần lượt theo kinh tế khá, trung bình, hộ nghèo) với mức đóng từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/gia đình/lần làm đường, dân làng đều đồng tình ủng hộ hết mình. Không chỉ đóng góp tiền, mọi người cùng tham gia đóng góp ngày công. Các gia đình trong làng được chia thành 5 tổ (30 hộ/tổ), lần lượt thay phiên nhau làm từng mét đường làng. Việc giám sát công làm do tổ trưởng của mỗi tổ thực hiện, riêng trưởng thôn Mlum chịu trách nhiệm giám sát nguyên vật liệu. “Cùng dân làng làm những tuyến đường đầu tiên, tôi bắt đầu rút ra kinh nghiệm. Xe chở nguyên liệu đến tự tay tôi phải đo đạc, kiểm đếm, đủ khối lượng mới nhận, không thì trả về. Tôi cũng cho xe đổ từng đống cát nhỏ dọc theo tuyến đường, rồi mới đổ đá dăm lên trên, như vậy giúp bà con tiết kiệm công trộn cát với đá, rút ngắn ngày công lại”-vị Trưởng thôn hồ hởi chia sẻ.

Sau 5 năm đồng lòng, bà con làng Groi đã bê tông hóa hoàn toàn các tuyến đường giao thông trong làng có chiều dài khoảng 4 km với tổng kinh phí hơn 1.5 tỷ đồng. Dự định sắp tới, mọi người sẽ cùng nhau bê tông đoạn đường dẫn xuống giọt nước để các chị em đi lấy nước mỗi ngày được dễ dàng hơn.

Đường mới, diện mạo mới

 

Xung quanh sân bóng của làng Groi 2 cũng được dân làng trải bê tông sạch sẽ. Ảnh: P.L
Xung quanh sân bóng của làng Groi 2 cũng được dân làng trải bê tông sạch sẽ. Ảnh: P.L

Đón tôi ngay cổng chào vào làng, bok Mlum tươi cười chỉ tay ngay về phía cuối đường làng nói: “Từ đây cho tới cuối đường có đến mấy đường xương cá, dân làng đều đã làm bê tông hết cả”. Nói rồi, bok Mlum lấy xe đưa tôi đi tham quan một vòng ngôi làng của mình. Cả ngôi làng Groi 2 dần dần hiện ra với những trục đường bê tông thẳng tắp, hai bên đường được các chị em phụ nữ của các gia đình quét dọn, giữ gìn sạch sẽ, không có một ngọn cỏ dại. Những hàng rào bê tông, lưới B40 thẳng tắp. Đoạn qua sân bóng của làng có hàng thông xanh mát, bok Mlum dừng lại và kể: “Mặc dù xung quanh sân bóng này chỉ có vài gia đình sinh sống, nhưng tôi vẫn vận động dân làng làm đường bê tông cho sạch sẽ. Đoạn đường này dài khoảng 1,2 km, vừa hoàn thành vào năm 2016 vừa qua đấy”.

Ngồi thảnh thơi đan gùi trước hiên nhà, nhìn ra con đường bê tông chạy ngang qua nhà mình, già Mlết (sinh năm 1950, làng Groi 2) vui vẻ: “Mọi người cùng nhau làm đường tôi thấy vui lắm. Bây giờ việc đi lại, chở lúa, cà phê từ nương rẫy về đã không còn vất vả như trước đây nữa. Bà con chúng tôi ai cũng thấy phấn khởi, mình làm đường cho mình đi mà”. Cũng tương tự, ông Yim (sinh năm 1973, làng Groi 2) mỗi lần làm đường đều đóng ở mức A (2,5 triệu đồng) và tham gia không vắng ngày công nào để từng con đường được hoàn thành. Ông Yim cho hay: “Các con đường trong làng được làm bê tông đã giúp đường làng trở nên sạch sẽ hơn, làng cũng đẹp hơn rất nhiều”.

Nói về làng Groi 2, ông Nguyễn Kim Anh-Chủ tịch UBND xã Glar bày tỏ: “Làng Groi 2 có 147 hộ, gần 700 khẩu, trong đó có 20 hộ nghèo, kinh tế người dân phụ thuộc vào làm nông nghiệp. Dù vậy, nhân dân làng Groi 2 vẫn có tinh thần tự giác, đoàn kết, đồng lòng rất đáng khâm phục khi cùng nhau tự đóng góp sức người, sức của để bê tông hóa đường giao thông trong làng, giúp việc đi lại thuận lợi cũng như làm thay đổi diện mạo thôn làng khang trang, sạch đẹp. Không chỉ vậy, việc tự làm đường của nhân dân làng Groi 2 đã góp phần đáng kể giúp xã nhà trong việc nhanh chóng cán đích nông thôn mới vừa qua”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm