Thời sự - Bình luận

Dân số già ở 'thành phố trẻ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước thực trạng dân số già hóa, TP.HCM đang cẩn trọng trong những bước đi về giải pháp cho sự bền vững về chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực.

TP.HCM với hình ảnh "thành phố trẻ" lại đang đối mặt với những thách thức về tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Theo số liệu thống kê năm 2023, tỷ lệ người cao tuổi của TP.HCM chiếm 12,24% trên tổng dân số. Thực trạng này đặt ra bài toán khó cho ngành dân số của thành phố trong việc giải quyết vấn đề duy trì nguồn lực lao động bên cạnh nâng cao chất lượng dân số.

Tốc độ già hóa dân số của TP.HCM chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi 3 yếu tố: tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao, mức tử vong thấp và mức sinh cũng xuống thấp nhất cả nước. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố là 76,5 tuổi (năm 2022 là 76,3 tuổi) và mức sinh của thành phố xuống thấp hơn với 1,32 con/phụ nữ (năm 2022 là 1,39 con/phụ nữ).

Khi nhóm dân số dưới 15 tuổi không được duy trì và khi nhóm dân số trong độ tuổi lao động (15 - 59) ngày một già đi thì số lượng người cao tuổi của thành phố cũng không ngừng gia tăng. Đây là nguyên nhân chính đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Hiện thành phố không ngừng đẩy mạnh hoạt động truyền thông về mức sinh thấp và thách thức của thực trạng già hóa dân số. Bàn về giải pháp cho 2 vấn đề này tưởng chừng như riêng lẻ nhưng lại gắn bó với nhau. Các chuyên gia đều nhìn nhận thành phố đang đứng trước thách thức rất lớn khi giải quyết cùng lúc việc nỗ lực nâng cao mức sinh; đồng thời kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội trong việc đưa ra và thực hiện các giải pháp thích ứng với già hóa dân số cho phù hợp với đặc thù của TP.HCM.

Trong các nhóm giải pháp về mức sinh thấp, hiện thành phố tập trung chú ý vào nhóm giải pháp hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng mong muốn sinh con. Hiện các giải pháp đề xuất còn đang được các sở, ban ngành phản biện để trình HĐND. Trong đó, nội dung cốt lõi chủ yếu tập trung ở các đề xuất hỗ trợ về y tế, giáo dục, thời gian nghỉ ngơi và khả năng tham gia của phụ nữ, tất cả để tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng mong muốn có con yên tâm để sinh và nuôi dạy con cái. Khó khăn nhất của các nhóm giải pháp về mức sinh hiện nay theo nhận định của các chuyên gia chính là cần phải đúng đối tượng và phù hợp với ngân sách, đặc điểm dân số của TP.HCM.

Song song với giải pháp về mức sinh thấp, giải pháp thích ứng với thực trạng già hóa dân số của TP.HCM cũng không ngừng được bàn thảo, tập trung chủ yếu là đảm bảo an sinh cho người cao tuổi. Hướng tới xây dựng thành phố và môi trường thân thiện với người cao tuổi, bao gồm hạ tầng, các điều kiện tham gia sinh hoạt cộng đồng, duy trì sinh kế bền vững cho người cao tuổi... Song song đó là phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi thông qua chăm sóc tập trung (phát triển nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội) và mạng lưới y tế địa phương trong chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là những người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng.

Thạc sĩ PHẠM CHÁNH TRUNG

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM

Có thể bạn quan tâm