(GLO)- Sau khi vợ chồng ông bà Tưởng Công Kỳ và Đoàn Thị Niềm-chủ một cơ sở thu mua nông sản tại xã Ia Krái (huyện Ia Grai) tuyên bố vỡ nợ hơn 7 tỷ đồng, nhiều hộ dân là nạn nhân của vụ vỡ nợ cho rằng đây chỉ là chiêu trò lừa gạt để chiếm đoạt tài sản.
Bà Đoàn Thị Niềm-chủ cơ sở thu mua nông sản bị vỡ nợ tại xã Ia Krái. |
Hơn 10 ngày sau vụ vỡ nợ hơn 7 tỷ đồng tại xã biên giới Ia Krái (huyện Ia Grai), 47 hộ dân ký gửi hơn 200 tấn hạt cà phê chưa hết bàng hoàng và điêu đứng chỉ vì đặt niềm tin không đúng chỗ. Trong đó có nhiều gia đình đứng trước nguy cơ tán gia bại sản vì thế chấp tài sản tại ngân hàng và vay tiền láng giềng để đầu tư cho niên vụ cà phê 2014-2015. Đa phần các nạn nhân trong vụ vỡ nợ là người dân sống tại xã Ia Krái, trong đó có rất nhiều người là họ hàng hoặc hàng xóm láng giềng của vợ chồng Tưởng Công Kỳ- Đoàn Thị Niềm.
Giấy ứng tiền và phiếu cân do các hộ dân trong vụ vỡ nợ tìm thấy. |
Công an huyện Ia Grai cho biết, sau ngày vợ chồng Kỳ-Niềm đến Công an xã Ia Krái nộp đơn trình báo vỡ nợ do mua bán nông sản thua lỗ và bị nhiều hộ dân bao vây nhà đòi nợ, hai vợ chồng này đã thanh toán được hơn 4 tỷ đồng cho 24 hộ dân, trong tổng số 47 hộ đã nợ tiền và cà phê hạt. Tuy vậy, nhiều hộ dân mà vợ chồng Kỳ-Niềm nợ tiền, trong đó có những người đã được thanh toán nợ có ký xác nhận trong danh sách của Công an xã Ia Krái lập cho rằng ông bà Kỳ-Niềm có hành vi gian dối.
Theo đó, gia đình Tưởng Công Kỳ-Đoàn Thị Niềm đã tổ chức thu mua cà phê từ năm 2008, chủ yếu bằng hình thức ký gửi hạt cà phê của các hộ dân trong xã Ia Krái, sau khi hạt cà phê được giá sẽ cắt giá (bán) và trả tiền lại cho người ký gửi, thỏa thuận bằng miệng hoặc giấy tờ viết tay. Những năm đầu, vợ chồng Tưởng Công Kỳ-Đoàn Thị Niềm buôn bán rất sòng phẳng, thời gian ký gửi hai bên thường ngắn. Những năm tiếp theo, thông thường đầu niên vụ thu hoạch, giá cà phê thường ở mức thấp, nhiều hộ dân ký gửi ở cơ sở này thời gian dài, chờ khi giá cao sẽ cắt giá. Ngoài ra có nhiều hộ gia đình cho vợ chồng Kỳ-Niềm mượn tiền để thu mua nông sản và cho mượn cà phê hạt để trộn lẫn với hạt cà phê không đảm bảo để bán lại cho thương lái khác. “Từ năm 2014, giá cà phê mất lên xuống thất thường nên nhà tôi đã ký gửi cà phê cho bà Niềm hơn 11 tấn, nhưng tôi chỉ mới ứng có 70 triệu đồng, theo giá cả thời điểm hiện tại thì gia đình bà Niềm còn nợ chúng tôi 400 triệu đồng. Hiện nhà tôi còn nợ ngân hàng 120 triệu đồng, đến tháng 10-2016 là đến hạn phải trả. Giờ không biết lấy đâu ra tiền trả ngân hàng, cũng như không có tiền đầu tư cho cây cà phê. Kiểu này nhà tôi kéo nhau đi xin ăn”-ông Nguyễn Công Nam (trú thôn 4, xã Ia Krái) chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Vân (trú thôn 4, xã Ia Krái) thì cho hay: “Là hàng xóm thân quen và là đồng hương, tôi cho bà Niềm mượn 7,5 tấn hạt cà phê để bà ấy trộn với cà phê nhà rồi bán để không bị trừ phần % vì số cà phê trong kho nhà bà Niềm xấu. Nhưng khi gia đình bà ấy vợ nỡ, tôi đòi thì bà Niềm nói ký gửi hay mượn cũng như nhau vì không có cà phê hạt để trả chỉ ghi giấy nợ”.
Chiếc băng chuyền định giá gán nợ 110 triệu đồng. Ảnh: N.T |
Theo ông Phan Công Khôi (trú thôn 4, xã Ia Krái) phản ánh thì việc vỡ nợ của vợ chồng Kỳ-Niềm là hành vi lừa gạt, lợi dụng sự tín nhiệm của người dân để trục lợi. Cụ thể, trước khi tuyên bố vỡ nợ, vào các ngày 22-4-2016 và ngày 9-5-2016, hai vợ chồng Kỳ-Niềm vẫn tổ chức mua bán nông sản và xuất hàng hóa gồm hạt điều và hạt cà phê cho một công ty tại thị trấn Ia Kha, tổng giá trị đơn hàng đã xuất hơn 8 tỷ đồng. Hóa đơn, phiếu cân này do người dân tìm thấy.
Chiếc quạt cây và xe kéo được gán nợ giá 10 triệu đồng. Ảnh: N.T |
Bên cạnh đó, rất nhiều hộ dân tỏ thái độ không đồng tình trước việc hai vợ chồng Kỳ-Niềm sau khi vỡ nợ đã ký nhận tiền nợ với các hộ ký gửi và gán lại tài sản với giá cả không đúng với giá trị thật của tài sản. Bà Nguyễn Thị Vân bức xúc: “Cái băng chuyền để tải cà phê được gia đình bà Niềm gán cho nhà tôi với giá 110 triệu đồng nhưng giá trị thực trên thị trường chỉ khoảng 30 triệu thôi. Cái quạt cây và 1 cái xe kéo đã rỉ lại có giá 10 triệu đồng”.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trước khi tuyên bố vỡ nợ 3 ngày gia đình bà Niềm đã trả nợ ngân hàng để xóa nợ vay trước đó và lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai.
Liên quan tới vụ vỡ nợ gây chấn động vùng biên giới huyện Ia Grai, Đại tá Tăng Năng Ái-Trưởng Công an huyện Ia Grai cho biết: Sau khi xảy ra vụ việc, đơn vị đã tổ chức xác minh, điều tra và có báo cáo các cấp liên quan. Chúng tôi đã làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện xác định vụ vỡ tại xã Ia Krái chưa đủ căn cứ pháp lý xử lý theo trách nhiệm hình sự.
Nguyễn Tú