Chính trị

Đảng bộ huyện Chư Prông: Dấu ấn 70 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (15/9/1954-15/9/2024), Đảng bộ huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Nhân dịp này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông về những thành tựu đạt được cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới.

* P.V: Ông có thể cho biết một số nét cơ bản về quá trình hình thành và phát triển cũng như những thành tựu của Đảng bộ huyện Chư Prông trong 70 năm qua?

Ông Đinh Văn Dũng. Ảnh: H.T

Ông Đinh Văn Dũng. Ảnh: H.T

- Ông ĐINH VĂN DŨNG: Ngày 15-9-1954, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban cán sự Đảng khu 5 trước yêu cầu cấp thiết phải có tổ chức Đảng lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống kẻ thù mới là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Ngay sau khi thành lập, Ban cán sự Đảng khu 5 đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích; phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội chủ lực đấu tranh chống lấn chiếm đất, lập dinh điền, tố cộng, diệt cộng của Mỹ-Diệm để bảo vệ cơ sở, cán bộ, đảng viên và phát triển lực lượng cách mạng. Từ đó giành được nhiều chiến thắng vẻ vang, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, huyện Chư Prông đối diện với những thách thức như bọn tàn quân, bọn phản động chống phá gây mất ổn định về an ninh trật tự; đời sống người dân không ổn định với hơn 90% dân số mù chữ; dịch bệnh hoành hành...

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, truy quét FULRO và các thế lực chống phá cách mạng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia. Đồng thời, phát động phong trào khai hoang, làm thủy lợi để mở rộng sản xuất nhằm giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn.

Những năm sau đổi mới đến nay, Huyện ủy đề ra nhiều chương trình, nghị quyết chỉ đạo hệ thống chính trị vận động người dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất; đầu tư xây dựng và mở rộng các tuyến đường giao thông; xây dựng hệ thống điện thắp sáng; quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng; kêu gọi thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

* P.V: Đảng bộ huyện đạt được những thành tựu nổi bật nào trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong những năm gần đây, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2020-2025, thưa ông?

- Ông ĐINH VĂN DŨNG: 70 năm qua, với mỗi chặng đường cách mạng, Đảng bộ huyện luôn đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên đã đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực.

Giai đoạn 2020-2025, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 3 năm (2021-2023) đạt 10,32%, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 22,85% lên 25,03%, dịch vụ tăng từ 27,43% lên 29,65%.

Huyện cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, trong đó có 2 dự án điện gió, 8 dự án thủy điện và 142 hệ thống điện mặt trời đưa vào vận hành; 24 dự án đầu tư đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.109,76 tỷ đồng. Kinh tế nông nghiệp ngày càng khởi sắc với trên 77 ngàn ha cây trồng và hình thành các vùng chuyên canh cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, lúa nước, cây ăn quả…

Bên cạnh đó, quốc phòng-an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, sự nghiệp văn hóa-xã hội có bước phát triển, đời sống người dân được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy. Đến cuối năm 2023, huyện có 118/146 thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 80,8%), 21.626 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 67%) với 815 gia đình văn hóa tiêu biểu. Đến nay, huyện có 7/19 xã và 10 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 11,97% vào cuối năm 2023.

Huyện Chư Prông có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Ảnh: H.T

Huyện Chư Prông có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Ảnh: H.T

* P.V: Đảng bộ huyện đề ra những giải pháp nào nhằm lãnh đạo hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, thưa ông?

- Ông ĐINH VĂN DŨNG: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như: tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về mọi mặt; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế; thu hút đầu tư, phát huy mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên các vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, huyện triển khai các giải pháp nhằm giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và chăm lo nâng cao đời sống người dân.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Với những thành tích đạt được trong 70 năm qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Prông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 9 tập thể, 4 cá nhân; tặng thưởng 3 Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba.

Có thể bạn quan tâm