Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Đặng Vũ Hiệp: Vị tướng thao lược, nghĩa tình với Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người ở Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak hôm nay vẫn nhớ và yêu kính Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, người đã có hơn 10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Còn các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên và Quân đoàn 3 thì coi ông như người anh cả với niềm quý trọng và tôn kính.
1. Tháng 6-1992, tôi được Cục Chính trị Quân đoàn 3 giao đi cùng Thượng tá Phạm Chào-Chính ủy Sư đoàn 10 ra Hà Nội gặp Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn 10 để xin ý kiến chỉ đạo tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống Sư đoàn. Lúc đó, gia đình ông ở nhà số 7 phố Nguyễn Gia Thiều. Khi chúng tôi đến, ông ra tận cổng đón rồi dẫn lên phòng khách trên tầng 2 có ô cửa nhìn ra hồ Thiền Quang mát dịu. Đã mấy lần được diện kiến khi ông về thăm Quân đoàn nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tiếp chuyện ông. Khuôn mặt phúc hậu, mái tóc hoa râm, đôi mắt hiền từ sau cặp kính cận, trông ông như một vị giáo sư. Sau khi báo cáo công việc, anh Chào giới thiệu về tôi, ông liền quay sang: “Hùng Tấn đây à. Tôi vẫn đọc các bài viết của cậu về Quân đoàn trên báo Quân đội nhân dân”. Rồi ông tươi cười: “Cậu ở đơn vị nào, vào Tây Nguyên năm nào?”. Tôi thưa: “Dạ, Sư đoàn 320, vào Tây Nguyên cuối 1971 ạ!”. “Thế quê ở đâu?”-ông hỏi tiếp. Khi tôi thưa quê ở Hưng Yên thì ông cười vui và tỏ ra rất thân thiện.
Trên đường về, anh Chào bộc bạch với tôi: Làm việc với “cụ” thật dễ chịu. “Cụ” đã gỡ cho nhiều chỗ bí, chỉ cho những việc rất cụ thể. Tiếp đó, anh Chào kể cho tôi nhiều chuyện về sự sắc sảo trong lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến cùng tấm lòng yêu thương bộ đội của ông mà anh được chứng kiến. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu và biết thêm nhiều điều về ông, một vị tướng thao lược, nghĩa tình.
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (ngồi giữa) cùng Anh hùng Núp và một số tướng lĩnh Mặt trận Tây Nguyên trong dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đoàn 3. Ảnh H.T
2. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp sinh năm 1928 ở xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Năm 1945, đang học trung học ở Trường Bưởi (Hà Nội) thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông liền gác bút nghiên tham gia cách mạng, là cán bộ Phòng Thông tin tuyên truyền tỉnh Phú Thọ. Tháng 1-1946, ông vào quân đội, 3 tháng sau thì được kết nạp vào Đảng. Có kiến thức văn hóa, lại không ngừng rèn luyện nên ông lần lượt được giao đảm nhiệm công tác chính trị các cấp của Trung đoàn 102, Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308). Sau 1954, ông là Chính ủy Trung đoàn 86 Cao xạ (Sư đoàn 675). Tháng 8-1956, ông được cử đi học tại Học viện Quân chính Lênin (Liên Xô). Cuối năm 1961, ông được giao làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế Trường Chính trị trung cao cấp (nay là Học viện Chính trị). Đến tháng 9-1964, ông được điều về Tổng cục Chính trị và đi chiến trường, giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5.
Ngay sau đó, ông được điều lên Tây Nguyên làm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận. Khi giai đoạn 1 của Chiến dịch Plei Me kết thúc thắng lợi, buộc Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ vừa đổ bộ lên An Khê phải ra tham chiến theo ý định của ta, ông được Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Chu Huy Mân giao cùng Phó Tư lệnh Nguyễn Hữu An lên khu vực Chư Prông lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy các trung đoàn: 66, 33, 320 đón đánh quân Mỹ. Với tư duy khoa học, sáng tạo, tác phong sâu sát, tỉ mỉ, ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch từng bước biến quyết tâm “Dám đánh Mỹ và quyết đánh thắng trận đầu” của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận thành ý chí quyết tâm của bộ đội trên chiến trường. Trận tiến công quân Mỹ ở thung lũng Ia Drăng thắng lợi giòn giã, 1 tiểu đoàn Mỹ bị diệt gọn, 1 tiểu đoàn khác bị đánh thiệt hại nặng đã giáng đòn chí mạng vào quân viễn chinh Mỹ, mở ra cao trào đánh Mỹ trên toàn chiến trường miền Nam.
Từ trận đầu thắng Mỹ ở Ia Drăng (tháng 11-1965), ông đã rút ra được những bài học bổ ích để tiếp tục hoàn thành tốt cương vị Chính ủy Bộ Tư lệnh tiền phương các chiến dịch tiếp theo như: Đak Tô 1 mùa khô năm 1966-1967, Tết Mậu Thân 1968, Xuân 1969, Đak Xiêng 1970… Đó cũng là cơ sở để ông vươn lên hoàn thành tốt các cương vị: Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cánh Đông chỉ huy các đơn vị tiến công giải phóng Đak Tô-Tân Cảnh (tháng 4-1972), Chính ủy Sư đoàn 10 khi thành lập (20-9-1972) và từ tháng 11-1973 là Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Mùa xuân năm 1975, với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Mặt trận, ông đã có những đóng góp quan trọng cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến, tổ chức chỉ huy đơn vị chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên.
Sau khi Tây Nguyên giải phóng, Quân đoàn 3 được thành lập trên cơ sở khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, ông được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân đoàn. Ông đã cùng Tư lệnh Vũ Lăng nhanh chóng tổ chức các đơn vị tràn xuống đồng bằng giải phóng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, cắt đôi miền Trung, góp phần tạo ra thời cơ chiến lược mới. Tiếp đó, ông đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần giải phóng Sài Gòn và miền Nam.
3. Đất nước thống nhất, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng) rồi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ở cương vị mới, ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.
Khi nghỉ hưu, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng vì nghĩa tình với đồng đội, đồng bào, ông vẫn làm việc ngày đêm, chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam mà theo ông: “Đây là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ…”. Ông là người chủ trì thúc đẩy triển khai huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh bảo vệ quyền lợi, đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần làm vơi đi nỗi đau của những người bị di chứng tàn khốc của chất độc da cam trong chiến tranh.
4. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp có hơn 10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, mảnh đất hùng vĩ và dữ dội. Chính vì thế, ông thấu hiểu đất và người Tây Nguyên. Ông dành cho mảnh đất này những tình cảm sâu nặng, thiêng liêng. Cùng vào sinh ra tử với ông là lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ở mọi miền quê, những anh hùng có tên và không tên mà sau này mỗi lần nhắc đến, ông vô cùng xúc động.
Trong cuốn tập “Ký ức Tây Nguyên”, ông ghi lại khá chi tiết, đầy đủ và khách quan những sự kiện sự việc từ chủ trương, phương châm chỉ đạo tác chiến, tổ chức chỉ huy của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận trong từng giai đoạn, các chiến dịch, các trận đánh, những cán bộ, chiến sĩ chiến đấu mưu trí dũng cảm, những tổn thất hy sinh đến tổ chức bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội trong điều kiện cực kỳ khó khăn… từ khi Mặt trận Tây Nguyên được thành lập (1-5-1964) tới Đại thắng mùa Xuân 1975. Qua những ghi chép của mình, ông đã khắc họa về một tập thể cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Nguyên với những phẩm chất anh hùng và cao đẹp của họ. Ông rung động và trân trọng trước sự hy sinh to lớn của những cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu với quân thù. Ông là vị tướng yêu thương từng chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với họ và ông cũng nhận được từ họ sự trân trọng và kính phục. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp thuyết phục mọi người bằng lòng dũng cảm, tình yêu thương đối với người lính trận mạc. Ông sinh hoạt cùng anh em, cùng hành quân trèo đèo, lội suối, cùng ăn với chiến sĩ bữa cơm độn mì với rau rừng. Những ngày đánh địch lấn chiếm mùa mưa 1973, ông đã ra trận địa chốt Đak Rơ Cót ở phí Bắc thị xã Kon Tum, ăn ở với chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28, cùng anh em bàn cách đánh địch giữ chốt…
Cả lúc đang công tác và sau này, ông thường trở về Tây Nguyên. Lần nào trở về, ông cũng dành thời gian đến thăm đồng chí, đồng đội và đồng bào ở vùng căn cứ cách mạng cũ, những người đã cưu mang đùm bọc, sát cánh cùng ông trong chiến đấu trước đây.
 HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm