Du lịch

Đánh thức "nàng công chúa ngủ quên bên sông Ba"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thung lũng Cheo Reo kéo dài dọc sông Ba từ chân đèo Chư Sê xuống tận đèo Tô Na, phía Đông giáp hồ Ayun Hạ, vắt qua xã Pờ Tó (huyện Ia Pa). Ngày trước, những cánh đồng lúa ở đây năng suất đạt rất cao nhờ hưởng lợi nguồn nước công trình đại thủy nông Ayun Hạ. 
Bấy giờ, Ayun Pa nổi tiếng trong tỉnh không chỉ vì cây lúa mà còn có nghề trồng bông, trồng thuốc lá và cả nghề nuôi cá nước ngọt. Người Jrai nơi đây có trình độ dân trí khá cao, dễ tiếp thu tiến bộ kỹ thuật nên nhanh chóng chuyển tập quán canh tác cũ sang sản xuất thâm canh nông nghiệp. Cũng vào thời gian này, Nhà máy Đường Ayun Pa được xây dựng, thung lũng Cheo Reo trở thành vùng mía nguyên liệu rộng lớn phục vụ cho hoạt động của Nhà máy. 
Ayun Pa vốn thừa hưởng những thuận lợi cơ bản đó là mặt bằng dân trí cao, người dân có tập quán thâm canh; các cơ sở sản xuất công nghiệp, chế biến hoạt động hiệu quả; hệ thống giao thông trên địa bàn khá thuận lợi với tuyến quốc lộ 25 từ TP. Pleiku xuống TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) chạy ngang qua thị xã, tỉnh lộ 662 nối thị xã với các huyện Ia Pa, Kông Chro và tỉnh lộ 668 chạy từ Ayun Pa sang huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak). Thị xã cũng chú trọng phát triển nền nông nghiệp bền vững với tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 10.000 ha, đặc biệt vụ Đông Xuân ổn định trên 3.000 ha. Các loại cây trồng mới cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng luôn có mặt trong cơ cấu cây trồng của địa phương.
Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh internet
Ayun Pa có bước phát triển khá song vẫn còn phải phấn đấu trên nhiều phương diện để có thể ngang tầm với một thị xã có bề dày lịch sử và không thiếu điều kiện phát triển (tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt 13,2%, tổng giá trị sản xuất năm nay phấn đấu đạt hơn 3.500 tỷ đồng…). Cùng với tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thung lũng Cheo Reo còn nổi tiếng nhiều danh thắng: Thung lũng Hồng, Bến Mộng, Suối Đá, đèo Tô Na, sông Ba… Tuy nhiên, các tiềm năng này phải được đánh thức thông qua việc đầu tư khai thác du lịch ở địa phương, gắn du lịch với nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Nhân nói về lĩnh vực này, người viết xin kể lại một câu chuyện có thật mà tôi chính là một nhân vật trong đó. Khi còn công tác, tôi có dịp đi cùng một đồng nghiệp xuống Ayun Pa tác nghiệp. Hôm ấy, có anh bạn vong niên mời ra một nhà hàng khá lớn để ăn trưa. Đến nơi, anh ấy hỏi hôm nay nhà hàng có cá chốt không, nếu có nướng cho 3 con. Tôi nghĩ thầm: Cá chốt nhỏ xíu (quê tôi cá chốt chỉ lớn hơn ngón tay cái) mà gọi nướng có 3 con, sao mà… hà tiện đến mức keo kiệt thế! Thế nhưng, khi nhà hàng bưng đĩa thức ăn ra, tôi mới bất ngờ: Cá chốt to ngang cổ tay người lớn. Thì ra là cá chốt tại sông Ba đoạn ngang qua thị xã Ayun Pa lớn đến thế. Ở đây, nó là loại đặc sản. Bấy giờ, tôi mới “khai thật” với anh bạn: Vậy mà lúc nãy mình nghĩ xấu về bạn, tưởng cá chốt chút xíu như ở Bình Định chứ! Anh bạn cũng bất ngờ rồi tất cả cười vang. Xin nói thêm là do đánh bắt nhiều và sinh trưởng theo mùa nên đến nay, cá chốt sông Ba rất hiếm, dân chuyên nghiệp mà cũng lâu lâu mới câu được vài con. Kinh doanh du lịch cũng vậy, tuy có tiềm năng song nếu không bảo vệ, tu bổ, quảng bá thì có thể chẳng bao lâu sẽ như số phận con cá chốt sông Ba mà thôi!
Sau gần nửa thế kỷ tính từ ngày giải phóng đến nay, mặc dù có những chuyển đổi đáng kể song đô thị bên dòng sông Ba này vẫn mang một dáng dấp trầm mặc, nhịp sống không sôi động như những đô thị khác ở Tây Nguyên. Điều này làm tôi không khỏi tự hỏi: Phải làm gì để đánh thức “nàng công chúa ngủ quên bên sông Ba” này?
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm