Du lịch

Hành trang lữ hành

Đánh thức tiềm năng du lịch Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều thắng cảnh, dấu tích lịch sử và những ngôi làng Bahnar nguyên sơ cùng văn hóa bản địa đặc sắc đã làm cho Đak Pơ (Gia Lai) trở thành mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Dù vậy, vùng danh thắng ấy vẫn chưa được “đánh thức”.
Một vùng danh thắng
Nằm ở vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và cao nguyên, huyện Đak Pơ có rừng và hệ thống sông, hồ giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Từ lưng đèo Mang Yang nhìn về phía Đông, Đak Pơ thanh bình, êm ả với những cánh đồng mía mênh mông, rừng thông xanh ngút ngàn. Từ quốc lộ 19, đoạn qua xã Hà Tam rẽ tay trái vào con đường bê tông qua cánh đồng mía, vườn cây ăn quả sẽ dẫn tới đồi thông trùng điệp. Đi dưới cánh rừng bạt ngàn, mát rượi, nghe tiếng thông reo vi vu trong gió cùng tiếng thác nước ầm ào, cảm giác hòa mình vào thiên nhiên thật thư thái. Ông Nguyễn Thanh Hiền-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ-cho biết: “Đây là khu rừng mọc tự nhiên với mật độ phân bố khoảng 500-600 cây/ha ở độ cao 1.150 m so với mực nước biển. Cảnh quan đẹp, không khí trong lành, đồi thông Hà Tam không khác gì thành phố sương mờ Đà Lạt. Dù chưa được nhiều du khách ngoài tỉnh biết đến nhưng đồi thông là một trong những điểm đến phổ biến của người dân huyện nhà vào mỗi dịp lễ, Tết”.
 Lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong các tỉnh Gia Lai, Phú Yên trước Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: internet
Lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong các tỉnh Gia Lai, Phú Yên trước Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: internet
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, Đak Pơ còn là nơi lưu giữ những dấu tích xa xưa như di tích Bia đá Chăm (thôn Tư Lương, xã Tân An); Hòn đá ông Nhạc (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An) nằm trong quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là nơi lưu lại nhiều dấu ấn hào hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp với chiến thắng Đak Pơ vang dội. Trên ngọn đồi nằm sát quốc lộ 19 là Tượng đài chiến thắng Đak Pơ sừng sững, uy nghi. Cách đó chừng 2 km cùng trên trục quốc lộ là Nhà truyền thống Chiến thắng Đak Pơ, nơi lưu giữ những tài liệu, tranh, ảnh, hiện vật quý giá về trận đánh nổi tiếng. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ địa phương cũng như nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Cùng với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, Đak Pơ còn có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng với những ngôi làng Bahnar nguyên sơ. Ở đó còn vẹn nguyên nếp nhà sàn, các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, văn hóa cồng chiêng hay các nghi lễ tín ngưỡng dân gian độc đáo. Điển hình là làng du lịch cộng đồng Hway (xã Hà Tam) đã được đầu tư phục vụ du lịch từ năm 2013. Mang vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình tựa vào chân núi, làng Hway xứng đáng là một điểm dừng chân lý tưởng dành cho du khách muốn khám phá văn hóa bản địa.
Đón đợi đầu tư
Với vị trí chuyển tiếp, Đak Pơ rất thuận lợi để hình thành các tour kết nối nhiều điểm du lịch với các địa phương trong vùng, đặc biệt là ở loại hình du lịch văn hóa-lịch sử. Từ Tượng đài chiến thắng Đak Pơ theo đường Trường Sơn Đông sẽ đến Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang); tiếp tục di chuyển sẽ đến Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Còn nếu đi theo quốc lộ 19 về hướng Đông sẽ đến Bia đá Chăm (thôn Tư Lương); thêm chừng 4 km nữa sẽ tới khu trung tâm của quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo tại thị xã An Khê. Từ đây, du khách có thể theo tỉnh lộ 669 để đến Cánh đồng cô Hầu, làng Tân Lập, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) hoặc rẽ vào tỉnh lộ 667 để đến Di tích Hòn đá ông Nhạc hay Nền nhà-Hồ nước ông Nhạc (huyện Kông Chro). Ngoài ra, trên trục quốc lộ 19, Đak Pơ còn có thể kết nối với vùng du lịch duyên hải miền Trung như: Bình Định, Phú Yên... Sự kết nối với nhiều điểm đến nói trên chứng tỏ tiềm năng du lịch rất lớn của Đak Pơ.
Đường vào Khu du lịch sinh thái đồi thông Hà Tam vẫn là một con đường đất chưa được đầu tư bài bản. Ảnh: PL
Đường vào Khu du lịch sinh thái đồi thông Hà Tam vẫn là một con đường đất chưa được đầu tư bài bản. Ảnh: P.L
“Để phát triển du lịch, cùng với tỉnh, huyện đã triển khai đầu tư, bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện tích cực kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư khai thác tiềm năng nhằm thúc đẩy du lịch địa phương phát triển”-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ cho hay. Năm 2017, huyện đã đầu tư xây dựng cổng, hàng rào, mái che, nền bê tông và san ủi đường vào Bia đá Chăm với tổng kinh phí hơn 113 triệu đồng; năm 2019 tổ chức hội thảo công bố nội dung bia đá, củng cố thêm hồ sơ để đề nghị xét công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh và hoàn thiện các tiêu chí hướng đến công nhận bảo vật quốc gia. Khu vực Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ cũng được đầu tư mới hạng mục nhà quản lý và khuôn viên với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.  
Dù vậy, việc đầu tư phát triển du lịch của địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Nơi giàu tiềm năng như đồi thông Hà Tam hay Hòn đá ông Nhạc thì đường giao thông cách trở. Được sự hỗ trợ của Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3), đường vào đồi thông đã được san ủi hơn 1 km nhưng vẫn là đường đất. Hiện UBND huyện Đak Pơ đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường vào Khu du lịch sinh thái đồi thông Hà Tam trình UBND tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải. Dự án gồm các hạng mục nền, mặt đường và công trình thoát nước với tổng mức đầu tư dự tính khoảng 9,8 tỷ đồng. Còn lối dẫn vào Di tích Hòn đá ông Nhạc chỉ là lối mòn, um tùm cây cối. Ông Trần Vũ Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Phú An-chia sẻ: “Chúng tôi cũng như bà con làng Đê Chơ Gang mong mỏi con đường dẫn vào Di tích Hòn đá ông Nhạc được đầu tư, giúp du khách thuận lợi hơn đến tham quan, tìm hiểu lịch sử; bà con cũng tiện hơn khi đến khu sản xuất gần di tích”.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm