Du lịch

Hành trang lữ hành

"Đánh thức" tiềm năng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịp hè năm ngoái, tôi cùng bạn bè có vài ngày du lịch tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Ngoài đồi cát, bãi đá Ông Địa, Hòn Rơm thì điểm đến khiến tôi đặc biệt chú ý là Suối Tiên. Gọi là suối song thực chất chỉ là một dòng chảy xuất phát từ trong khe núi. Điểm đặc biệt chính là nước suối có màu đỏ cam do lòng suối toàn là cát đỏ. Bề ngang của suối nơi rộng nhất khoảng chừng 3 m. Nước chỉ ngập đến mắt cá, nơi sâu nhất cũng chỉ đến nửa bắp chân người lớn.

Ấy vậy mà từng dòng người nườm nượp nối nhau đổ xô xuống dòng nước. Với mức vé khá rẻ, 15.000 đồng/người lớn, 6.000 đồng/trẻ em, mỗi ngày, điểm du lịch này thu hút hàng trăm lượt du khách đến… lội nước, vui chơi. Bỏ lại giày dép, họ xắn gấu quần, thích thú cùng nhau rồng rắn men theo dòng chảy, lội ngược về phía thượng nguồn. Khung cảnh hai bên chủ yếu là vườn tược của người dân. Một số gia đình bày vài chiếc bàn nhỏ dọc con suối bán nước giải khát, trái cây, dừa tươi phục vụ du khách. Đi khoảng 300 m sẽ thấy một vách nhũ cát hiện lên với nhiều hình thù trông khá thú vị. Đi sâu hơn nữa vào bên trong là một khe núi, nơi khởi nguồn của dòng chảy. Đến đây, tôi chợt nhận ra vách nhũ cát này có hình thù khá giống với vách nhũ cũng từng “làm mưa làm gió” mạng xã hội ở xã Hbông, huyện Chư Sê. Chỉ khác là thay vì dòng nước mát dẫn đường thì vách nhũ ở Chư Sê lại là một con đường đất, dốc đứng và gồ ghề đá. Và nơi này vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến nổi bật của Gia Lai.

Dốc đá Vạn Long, nằm ở làng Pliết Kte, H'bông, huyện Chư Sê có hình thù và màu sắc đặc biệt. Ảnh: Phạm Công Quý/VNE
Dốc đá Vạn Long ở làng Pliết Kte (xã Hbông, huyện Chư Sê) có hình thù và màu sắc đặc biệt. Ảnh: Phạm Công Quý/VNE


Đặt chân đến Hòn Chồng-biểu tượng du lịch của thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), tôi bỗng nhớ đến suối đá ở thị xã Ayun Pa, núi đá voi Dăm La-Chư Gôh ở làng Tai Glai (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) hay núi Chư Pao với tượng đá “ông Phật” tại xã Ia Khươl, huyện Chư Păh. Nếu Hòn Chồng nổi tiếng bởi sự tích dấu tay của người chồng bấu chặt vào đá khi cố gắng cứu vợ mình trước ngọn sóng dữ thì ở những địa điểm tại Gia Lai vừa kể trên cũng đều mang trong mình một câu chuyện riêng và hấp dẫn không kém. Điều đáng nói là trong khi Hòn Chồng được xem là “báu vật” du lịch của Nha Trang thì những điểm đến tương tự ở Gia Lai vẫn đang “ngủ quên”, chưa được đánh thức.

Thực tế, Suối Tiên hay Hòn Chồng là điểm đến nhỏ nhưng lại có sức hút rất lớn đối với du khách. Thời gian để giữ chân du khách đến tham quan, trải nghiệm tại những nơi này thường kéo dài 2-4 giờ đồng hồ. Quanh các điểm đến này cũng có khá nhiều dịch vụ như: tắm nước ngọt, quán cà phê, giải khát, nhà hàng ăn uống… đủ khiến du khách “rút hầu bao”. Trước khi nổi tiếng, những điểm đến này hẳn đều đã chứa đựng những huyền tích riêng, được người dân lưu truyền. Lâu dần, những câu chuyện đó truyền đến tai du khách, trở thành sợi dây kết nối, thu hút sự tò mò, trải nghiệm.

Ở Gia Lai, bất kỳ con suối, ngọn thác hay điểm đến nào cũng có những câu chuyện rất riêng được kể lại bởi người bản địa. Cần nhìn nhận rằng, dù rất giàu tiềm năng song xuất phát điểm du lịch của Gia Lai thấp, chưa mời gọi được các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực này để khai thác, tạo sức hút đối với du khách cũng như tăng sinh kế cho người dân. Trước khi chờ nhà đầu tư vào cuộc, việc đổi mới cách làm, khuyến khích người dân cùng tham gia có vai trò quan trọng không kém nhằm “đánh thức” tiềm năng. Làm thế nào để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, biến niềm tự hào thành hành động, nỗ lực quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, sức hấp dẫn của các điểm đến là “bài toán” không chỉ dành riêng cho ngành du lịch tỉnh mà của từng địa phương.

 

PHƯƠNG VI

 

Có thể bạn quan tâm