Du lịch

Hành trang lữ hành

Đánh thức tiềm năng du lịch thắng cảnh quốc gia hồ Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hồ Lắk là điểm đến thơ mộng giữa núi rừng Tây Nguyên. Đến với du lịch hồ Lắk du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú mà còn được khám phá văn hóa truyền thống đặc sắc nơi đây.
Hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên, lớn thứ hai cả nước sau hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: TTXVN

Hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên, lớn thứ hai cả nước sau hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: TTXVN

Di tích thắng cảnh quốc gia hồ Lắk thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 27 từ tỉnh Đắk Lắk đi thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Hồ Lắk cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 56km theo hướng Đông Nam, không chỉ có giá trị về thủy lợi, thủy sản, mà còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, văn hóa.

Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên và lớn thứ hai ở Việt Nam sau hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Với diện tích mặt nước gần 500 ha (mùa nước lên) được thông với con sông Krông Ana, xung quanh hồ Lắk là những cánh rừng nguyên sinh, khu rừng lịch sử gắn với Biệt điện Bảo Đại. Các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (ở các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk liêng) ven hồ mang một vẻ đẹp nguyên sơ, với nền văn hóa phong phú, đa dạng.

Buôn Jun, điểm du lịch ấn tượng với du khách khi muốn tìm hiểu, khám phá nét đẹp văn hóa của Buôn làng cổ Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Buôn Jun, điểm du lịch ấn tượng với du khách khi muốn tìm hiểu, khám phá nét đẹp văn hóa của Buôn làng cổ Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Nằm tựa bên hồ Lắk trong xanh thơ mộng, các buôn Jun, buôn M’liêng, buôn Lê... là những điểm du lịch đầy ấn tượng với ai muốn tìm hiểu, khám phá về nét đẹp văn hóa của buôn làng Tây Nguyên. Đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của Tây Nguyên, nép mình dưới bóng cây xanh, xem các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm... Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, các buôn ven hồ Lắk vẫn lưu giữ và phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán cổ truyền đã được bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Đến với du lịch hồ Lắk, du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm thân thiện với voi, ngắm cảnh núi non, buôn làng, quây quần cùng mọi người bên ché rượu cần; được nghe già làng kể khan, kể về những truyền thuyết, huyền thoại của vùng đất này. Một thú vui khác nữa khi đến với nơi này là du khách được chèo thuyền trên hồ Lắk, thưởng thức những đặc sản của hồ Lắk như cá thác lác, lươn, ốc cùng nhiều món ăn dân dã, đậm đà hương vị đồng quê cao nguyên.

Vào buổi tối, du khách có cơ hội giao lưu với người dân địa phương, tìm hiểu về văn hóa dân tộc và nấu ăn cùng người dân địa phương. Kết thúc buổi giao lưu, với cảm giác ngất ngây, lâng lâng bởi men say rượu cần sẽ đưa du khách vào giấc ngủ nhẹ nhàng tại những homestay ven hồ hay ở Biệt điện Bảo Đại - nơi vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã ở để nghỉ dưỡng và săn bắn...

Hồ Lắk không chỉ có giá trị về thủy lợi, thủy sản mà còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, văn hóa.

Hồ Lắk không chỉ có giá trị về thủy lợi, thủy sản mà còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, văn hóa.

Để thu hút khách du lịch, thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Lắk nói riêng đang tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan xung quanh hồ Lắk để phục vụ tốt hơn người dân và du khách khi tham quan hồ Lắk.

Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV đã xây dựng Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/10/2020 về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”.

Huyện chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng ven hồ Lắk để đạt được mục tiêu kép là cải tạo đường tham quan du lịch, phục vụ nhu cầu đi lại, tạo được mặt bằng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Huyện đang đầu tư đường ven hồ Lắk, với nguồn kinh phí gần 30 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là đoạn đường đẹp nhất khu vực trung tâm hồ Lắk, tạo điều kiện phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói chung.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú, để quảng bá cho du lịch địa phương, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND huyện Lắk khai trương, đưa vào hoạt động điểm thông tin văn hóa và du lịch huyện Lắk tại địa chỉ 268 Nguyễn Tất Thành, thị trấn Liên Sơn, thuộc huyện Lắk. Công trình được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và kinh phí đối ứng của UBND huyện Lắk.

Tỉnh Đắk Lắk đang tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan xung quanh hồ Lắk để phục vụ tốt hơn người dân và du khách.

Tỉnh Đắk Lắk đang tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan xung quanh hồ Lắk để phục vụ tốt hơn người dân và du khách.

Điểm thông tin văn hóa và du lịch huyện Lắk sẽ là nơi quảng bá du lịch, giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ thông tin cho khách du lịch. Tại đây, du khách sẽ được hỗ trợ hoạt động bằng thiết bị điện tử hoặc bằng các ấn phẩm quảng bá du lịch do Trung tâm Xúc tiến Du lịch cung cấp như: Cẩm nang du lịch, tập gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch… Cùng với đó, đây cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng, đặc sản địa phương; hỗ trợ giải quyết các sự cố, yêu cầu, kiến nghị… của du khách. Điểm thông tin được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm