Chính trị

Tin tức

Đất Bằng huy động sức dân bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đảng bộ xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ban Thường vụ Đảng ủy xã còn ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025.
Tổ quản lý, bảo vệ rừng buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) tuần tra, kiểm soát khu vực rừng nhận khoán. Ảnh: M.N
Tổ quản lý, bảo vệ rừng buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) tuần tra, kiểm soát khu vực rừng nhận khoán. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xã Đất Bằng có hơn 6.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó, đất có rừng trên 4.323 ha, chưa có rừng 1.729 ha. Thời gian qua, Đảng ủy xã đã chỉ đạo lực lượng liên ngành phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, xã chú trọng vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; tự nguyện kê khai, trả lại diện tích đất rừng lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và hưởng lợi theo quy định của Nhà nước.
Xã Đất Bằng đã giao khoán bảo vệ rừng cho 9 nhóm cộng đồng dân cư ở 4 thôn, buôn với diện tích 993,23 ha. Hàng năm, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các nhóm này 1,4 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được 423.000 đồng/năm.

Ông La O Tuân-Bí thư Chi bộ buôn Ia Prông-cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, Chi bộ lấy lực lượng đảng viên làm nòng cốt, giao nhiệm vụ làm tổ trưởng 3 tổ quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, lập danh sách, phân công các nhóm hộ (từ 30 đến 50 người/nhóm) tham gia tuần tra quản lý, bảo vệ rừng theo kế hoạch đã lập ra. “So với thời điểm trước đây, các tổ bảo vệ rừng hoạt động linh hoạt hơn. Chủ động tuyên truyền về công tác phòng-chống cháy rừng, vận động người dân không chặt phá rừng làm nương rẫy. Tuy chưa chấm dứt triệt để tình trạng phá rừng nhưng nhận thức của bà con từng bước được nâng lên”-ông Tuân nhận định.

Tương tự, bà Rơ Căm H’Vót-Trưởng thôn Ia Rnho-cho hay: “Buôn thành lập các nhóm hộ (30 hộ/nhóm) thường xuyên tuần tra, nhắc nhở bà con tham gia quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho bà con nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định. Do vậy, người dân phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng để được hưởng lợi từ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng”.
Khẳng định hiệu quả của nghị quyết về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương, ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng-thông tin: Thời gian qua, Đảng ủy xã đã yêu cầu hệ thống chính trị ở các thôn, buôn chỉ đạo các tổ quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra, truy quét địa bàn, kịp thời ngăn chặn những sai phạm. Cụ thể, xã đã xử lý 2 vụ cất giữ lâm sản trái phép, tháo dỡ 26 lò than hoạt động trái phép; đồng thời, tổ chức cho 62 hộ dân ký cam kết không lấn chiếm đất rừng, phá rừng trái phép. 
Song, ông Khiết cũng nhìn nhận: Hầu hết các hộ dân tham gia trồng rừng không có vốn đầu tư, với mức hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng/ha chỉ đủ để mua cây giống, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết (vận chuyển, công trồng, chăm sóc, phân bón…) đến khi nghiệm thu. Đối với nhiều hộ dân, diện tích đất rừng hiện đang lấn chiếm, canh tác nông nghiệp là nguồn thu duy nhất nuôi sống gia đình. Vì vậy, nhiều hộ dân không muốn trồng rừng hoặc chỉ trồng theo kiểu đối phó do lo sợ bị thu hồi đất. “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia trồng rừng và nhận giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn”-Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh.
MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm