(GLO)- Nhằm khuyến khích, phát huy tinh thần lao động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân; khơi dậy và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của giới trẻ, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 9 và Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 7 đã được phát động và thu nhiều kết quả tích cực.
Nhiều giải pháp có tính ứng dụng cao
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, thu hút các tác giả, nhóm tác giả thuộc nhiều thành phần như bác sĩ, bộ đội, giáo viên, nông dân… Ban tổ chức hội thi năm nay đã nhận được 13 giải pháp phù hợp với quy định, trong đó có 3 giải pháp thuộc lĩnh vực y dược-hóa sinh; 1 giải pháp thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 9 giải pháp thuộc lĩnh vực cơ khí-điện, điện tử. Các giải pháp đều thể hiện khả năng sáng tạo, khẳng định hiệu quả khi áp dụng tại đơn vị, có khả năng nhân rộng.
“Bơm hút dầu cầu, dầu hộp số xe ô tô” của tác giả Phan Thành Trung-Trạm trưởng Trạm sửa chữa tổng hợp, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là một trong những giải pháp đã triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Từ thực tế công việc, nhận thấy việc bổ sung hoặc thay mới dầu cầu, dầu hộp số trong duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô tại đơn vị cũng như ở các trạm xưởng, garage gặp rất nhiều khó khăn, phải làm thủ công, dầu đặc nên khi đổ vào bánh răng cầu xe cũng như bánh răng hộp số thường bị cản lại và trào ngược ra ngoài gây lãng phí. Vì vậy, anh Phan Thành Trung đã bỏ sức nghiên cứu và thành công với phương pháp bơm hút dầu cầu, dầu hộp số xe ô tô của mình. Bơm dầu có tính ưu việt đa tác dụng, quay theo chiều kim đồng hồ là bơm dầu vào, quay ngược là hút dầu ra, tránh dầu trào ngược, đồng thời không cần vặn ốc xả dầu, bơm dầu cũng có thể hút dầu qua đường thăm đổ dầu về cốc chứa của bơm. Thiết kế có kết cấu gọn nhẹ, độ bền cao, thuận lợi cho việc bảo dưỡng sửa chữa cơ động, thao tác nhẹ nhàng, sử dụng linh hoạt, giúp không bị thất thoát nhiên liệu.
Mô hình “Sử dụng nguồn phế liệu để thiết kế xe đạp tập thể dục chuyển hóa cơ năng thành điện năng tích hợp máy đánh giá sức khỏe” của nhóm tác giả Nguyễn Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Mai Anh (Trường THPT chuyên Hùng Vương) đạt giải ba. Ảnh: P.L |
Với hiệu quả mang lại như trên, giải pháp này của anh Phan Thành Trung đã đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 9. Ngoài ra, cũng tại hội thi, anh Trung còn có thêm giải pháp “Van tháo lắp nhíp ô tô” được Ban tổ chức trao giải khuyến khích. “Đem đến hội thi 2 giải pháp và đều đã áp dụng thành công ở đơn vị, tôi nhận được những lời góp ý của Ban Giám khảo để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Đồng thời, đây là cơ hội để tôi tham khảo, tìm hiểu những giải pháp ở các lĩnh vực khác”-anh Trung chia sẻ.
Anh Phạm Văn Bình (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đem đến hội thi 2 giải pháp: “Máy phun thuốc sử dụng năng lượng mặt trời gắn trên xe máy” được Ban tổ chức trao giải ba và “Ghép giống cà ta trên gốc cà gai” đạt giải khuyến khích. Với giải pháp đạt giải ba, theo chia sẻ của anh Bình, từ thực tiễn tại địa phương, thấy bà con nông dân khi phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu phải đeo bình phun trên lưng vất vả và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, vì vậy anh đã nghiên cứu sử dụng các hệ thống và vật dụng sẵn có để tạo ra sản phẩm phun thuốc bằng năng lượng mặt trời. Sản phẩm được gắn vào sau xe máy, có thể phun tại chỗ hoặc vừa chạy vừa phun. Hệ thống phun lắp đặt ở sau xe nên ít gây độc hại cho người sử dụng. Việc lắp ráp nhanh gọn, chỉ mất khoảng 1-2 phút, tốc độ phun đồng đều hơn, hiệu quả phun 7-9 ha/ngày. Sản phẩm được lắp một tấm pin năng lượng mặt trời ở phía trên dàn khung nên người dùng không cần nạp điện cho bình ắc quy sau khi phun xong. Giá thành một máy từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng tùy theo kích cỡ.
Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng được Ban tổ chức đánh giá cao như: “Điều trị phẫu thuật bệnh nhân chấn thương cột sống cổ” của tác giả Phạm Tỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đạt giải ba; “Điều chế và sử dụng sản phẩm thảo dược cúc quỳ” của tác giả Đỗ Thị Xuân Hương (Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Đak Đoa), “Bổ sung van xả tải cho hệ thống bơm dầu áp lực Nhà máy Thủy điện Sê San 3A” của tác giả Ngô Văn Lợi (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy điện Sê San 3A), “Cải tạo những hạn chế hệ thống phanh tại Nhà máy Thủy điện Sê San 3A” của tác giả Ksor Huết (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy điện Sê San 3A) đạt giải khuyến khích.
Phát huy tư duy sáng tạo
Được tổ chức thường niên, Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 7 đã nhận được 8 mô hình, sản phẩm dự thi; trong đó có 1 mô hình, sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập; 1 mô hình, sản phẩm thuộc lĩnh vực phần mềm tin học; 3 mô hình, sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; 3 mô hình, sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ chơi trẻ em. Ban tổ chức đã trao giải nhì cho mô hình “Cánh tay robot vận chuyển hàng hóa” của tác giả Nguyễn Đỗ Quốc Anh (Trường THPT Pleiku). Mô hình “Sử dụng nguồn phế liệu để thiết kế xe đạp tập thể dục chuyển hóa cơ năng thành điện năng tích hợp máy đánh giá sức khỏe” của nhóm tác giả Nguyễn Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Mai Anh (Trường THPT chuyên Hùng Vương) đạt giải ba. Mô hình “Cấu trúc ty thể ứng dụng trong dạy và học môn Sinh học” của nhóm tác giả Nguyễn Bá Trường Thành, Nguyễn Duy Anh, Lê Công Tuấn (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) và mô hình “Xe đầu kéo” của tác giả Đặng Anh Vũ (Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) đạt giải khuyến khích.
Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Gia Lai tặng bằng khen cho 7 cá nhân là các tác giả, thành viên thuộc nhóm tác giả đã đạt giải tại cuộc thi. Ảnh: P.L |
Mô hình “Cánh tay robot vận chuyển hàng hóa” của em Nguyễn Đỗ Quốc Anh được Ban giám khảo đánh giá cao, bởi việc chế tạo mô hình cánh tay robot cần phối hợp nhiều kiến thức liên quan như Tin học, Toán học, Vật lý, Công nghệ... Điểm sáng tạo của mô hình là việc lập trình điều khiển robot thông qua điện thoại hoặc máy tính để sắp xếp hàng hóa. Khi nhận lệnh từ thiết bị của người dùng, máy tính điều khiển trung tâm sẽ thực thi và gửi tín hiệu để điều khiển động cơ, tạo nên hoạt động của robot. “Công nghệ robot đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thay thế sức lao động của con người. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc nghiên cứu và chế tạo robot mới ở giai đoạn bắt đầu, chủ yếu được dùng trong các nhà máy, xí nghiệp ở các thành phố lớn. Em mong muốn mô hình của mình sẽ hỗ trợ được nhiều đối tượng, đặc biệt là những người già cả, những người gặp khó khăn trong vận động”-Quốc Anh bày tỏ.
Tại cuộc thi năm nay, mô hình “Sử dụng nguồn phế liệu để thiết kế xe đạp tập thể dục chuyển hóa cơ năng thành điện năng tích hợp máy đánh giá sức khỏe” cũng được Ban Giám khảo đánh giá cao vì sự sáng tạo và ý nghĩa. Mô hình có cài đặt phần mềm giúp kiểm tra được tình trạng sức khỏe của người tập thông qua việc hiển thị các thông số như nhịp tim, thân nhiệt, tốc độ... Sản phẩm còn có thể tùy chỉnh kích thước sao cho phù hợp với người sử dụng. Vật liệu làm nên sản phẩm như: thép hộp đen, máy phát điện 1 chiều, các linh kiện điện tử, cảm biến, bình ắc quy khô… có thể mua từ các cơ sở phế liệu với tổng giá thành khoảng 2 triệu đồng. Chưa kể, việc đạp xe làm chuyển hóa cơ năng thành điện năng sạch còn đủ để thắp sáng một bóng đèn 25 W hoặc sạc bình ắc quy. Nhật Hoàng chia sẻ: “Một chiếc xe tập thể dục ngoài thị trường có giá bán khá cao. Còn sản phẩm của chúng em được tái chế từ đồ cũ nên giá thành thấp, phù hợp với khả năng của nhiều người. Em rất vui vì sản phẩm của mình được Ban giám khảo đánh giá cao”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban tổ chức hội thi/cuộc thi-cho hay: Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 9 nhận được nhiều giải pháp tham gia hơn lần tổ chức trước. Các giải pháp dự thi đều có tính sáng tạo, áp dụng hiệu quả trong thực tế và có khả năng nhân rộng. Với Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng, đây là sân chơi trí tuệ, giúp các em học sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo. Các sản phẩm, mô hình đều có sự đầu tư, đặc biệt là việc nghiên cứu sử dụng những vật liệu bỏ đi để sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ sinh hoạt và học tập.
PHAN LÀI