Du lịch

Hành trang lữ hành

Đau đầu bài toán nhân lực và hạ tầng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
96% doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong đó có 25% giải thể hoặc chờ giải thể; hàng ngàn khách sạn đóng cửa; số lượng hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên khách sạn… chuyển đổi nghề nghiệp lên tới hàng trăm ngàn.
Ngành du lịch đang đứng trước bài toán khó về nhân lực và cơ sở hạ tầng hậu Covid-19.
Hệ thống dịch vụ vẫn chưa “hoàn hồn”
Kết thúc chuyến khảo sát vùng du lịch Tây nguyên trước thềm mở cửa du lịch quốc tế, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty du lịch Lửa Việt, thở dài: “Khó!”. “Tôi đến một nhà hàng khá sang, chất lượng phục vụ muốn té ngửa. Họ mang ra cho chúng tôi một dĩa trái cây bị hỏng, không ăn được. Đến một nhà hàng khác thì khăn lau của khách bị mốc, cũng không dùng được. Chỉ trừ một số điểm khách tự đi, các trung tâm lớn như Buôn Mê Thuột cũng mới chỉ dừng ở bước cựa quậy”, dẫn câu chuyện từ chuyến công tác, từ thực tế trải nghiệm bản thân, ông Mỹ cho rằng hạ tầng, nhân lực ngành du lịch hiện chịu tổn thất cực lớn và vẫn chưa thể hồi phục ngay được.

Hoạt động vui chơi, giải trí đón khách du lịch tại VinWonders - Phú Quốc. Ảnh: Bích Chiêu
Hoạt động vui chơi, giải trí đón khách du lịch tại VinWonders - Phú Quốc. Ảnh: Bích Chiêu
Theo ông, ngành du lịch đang phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân lực lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Sau 2 năm đóng băng, hàng trăm ngàn hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên khách sạn, thậm chí là các ông chủ doanh nghiệp (DN) du lịch… đã dần đổi nghề và chỉ số ít có nhu cầu quay trở lại. Bản thân Lửa Việt đang từ quân số 154 nhân viên, sau dịch chỉ còn vỏn vẹn 30 người. Một số đơn vị khác thậm chí mất sạch, không còn người để làm. Lữ hành đã khó, các khách sạn, nhà hàng còn khó hơn vì sau 2 năm đóng cửa, nhân sự rơi rớt, lại thêm cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, muốn nâng cấp, sửa chữa thì phải có tiền và thời gian.
“Tai nạn chìm tàu ở biển Cửa Đại (Quảng Nam) ngày 26.2 làm 17 du khách thiệt mạng chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc. Sau hơn 2 năm đứng hình, các cơ sở lưu trú, dịch vụ đều xuống cấp và không thể trong ngày một, ngày hai là có thể quay lại ngay được. Cần lập tức tổng kiểm tra, rà soát tất cả các dịch vụ sau hơn 2 năm đứng hình để đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách về mọi mặt. Du lịch nội địa là tổng dợt cho du lịch quốc tế mà nội địa chưa thông thì đừng mong những kỳ tích khách quốc tế sau 15.3”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, lưu ý trước khi đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ 15.3 có thể “tạo nên phép màu” cho du lịch VN, cần nghiêm túc đánh giá lại các dịch vụ trong nước đã sẵn sàng để đón khách hay chưa. “Nói mở lại không phải là mở lại được ngay. VN cần thời gian để tất cả hệ thống dịch vụ “hoàn hồn”, vị này nêu ý kiến.
“Thổi lửa” cho nhân lực ngành du lịch
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, đánh giá sau khi du lịch mở cửa trở lại, chất lượng nguồn nhân lực là cản trở lớn nhất. Tay nghề của đội ngũ nhân lực ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng; kỹ năng và kiến thức của hướng dẫn viên đã bị mai một rất nhiều sau gần 2 năm nghỉ việc. Để sẵn sàng tái xuất, các DN du lịch hiện rất chú trọng việc đào tạo lại nguồn nhân lực, từ việc thống kê xem nguồn nhân lực còn lại là bao nhiêu, sẵn sàng hoạt động bao nhiêu, năng lực và trình độ đang ở đâu, tạo môi trường để họ làm quen, bắt đầu vào guồng. Guồng máy đi chậm thì việc mở cửa trở lại chắc chắn bị ảnh hưởng.
Theo ông Mẫn, không có môi trường tương tác, chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch đã không còn như cũ. Lãnh đạo ngành cần xây dựng quy trình, đánh giá tổng thể lực lượng lao động của các DN hiện nay còn bao nhiêu, nhu cầu đào tạo hiện tại của người lao động là gì. Trên cơ sở dữ liệu đó, xây dựng chương trình đào tạo theo 2 cấp: Cấp 1 là DN tự đào tạo, có chi phí hỗ trợ mang tính chất khuyến khích từ hiệp hội hoặc Chính phủ; Cấp 2 là từ phía nhà nước, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành tổ chức chương trình đào tạo tập trung hoặc liên kết đào tạo, theo các chuyên đề và lộ trình, thời gian khoảng 3 tháng bằng hình thức trực tuyến. Sở du lịch mỗi tỉnh, thành sẽ xây dựng chính sách đào tạo đối với từng vị trí, từ kinh doanh, điều hành tour cho tới hướng dẫn viên…
Thực tế đây không hẳn là đào tạo lại mà là tạo “lửa” trở lại, đẩy guồng quay nguồn lao động trở lại nhanh hơn, đáp ứng kịp nhu cầu mở cửa du lịch, mở cửa kinh tế”, ông Nguyễn Minh Mẫn đề xuất.
Theo Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm