Công ty Cổ phần tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đến từ tỉnh Bến Tre đấu giá thành công “Nữ hoàng sầu riêng Ri6” với giá cao nhất là 1 tỷ 400 triệu đồng. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN) |
Ngày 1/9, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình đấu giá ba quả “nữ hoàng sầu riêng” nhằm mục đích tôn vinh người nông dân đã trồng ra được những quả sầu riêng đạt chất lượng cao.
Chương trình diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia.
Ba quả “nữ hoàng sầu riêng” gồm: “nữ hoàng sầu riêng cổ”, “nữ hoàng sầu riêng Dona” và “nữ hoàng sầu riêng Ri6.”
Đây là 3 quả sầu riêng đẹp nhất, chất lượng nhất được chọn từ 32 vườn sầu riêng đạt giải tại Hội thi Nông dân sản xuất sầu riêng giỏi - một hoạt động chính của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ 2, năm 2024 để đem ra đấu giá.
Giá khởi điểm được đưa ra từ 60 - 70 triệu đồng/quả, chốt giá thành công từ 350 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng; trong đó, “Nữ hoàng sầu riêng Ri6” được trả mức giá cao nhất là 1,4 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) và các đơn vị đồng hành chốt giá thành công.
“Nữ hoàng sầu riêng Dona” được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trái cây Hồng Sang (tỉnh Tiền Giang) chốt giá thành công ở mức 900 triệu đồng; “nữ hoàng sầu riêng cổ” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn EKCORP (thành phố Hồ Chí Minh) chốt giá thành công ở mức 350 triệu đồng.
Ban Tổ chức cho biết những người trúng đấu giá sẽ nhận được quả sầu riêng tươi để về thưởng thức và thêm quả sầu riêng mạ vàng 24k trị giá 50 triệu đồng/quả về trưng bày.
Số tiền trúng đấu giá sẽ được Ban Tổ chức dùng để thực hiện công tác an sinh xã hội, đầu tư kiến thức trồng và chăm sóc cây sầu riêng cho nông dân; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức, tư duy của hội viên nông dân về phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững nói chung và phát triển hệ sinh thái sầu riêng Krông Pắc bền vững nói riêng.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết quả sầu riêng Ri6 là niềm tự hào và là giống sầu riêng chính thức của Việt Nam, đang được xuất khẩu đi nhiều nước, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng. Sản phẩm sầu riêng Ri6 có vị ngọt đậm, thơm nồng.
Người châu Á đang dần chuyển sang khẩu vị dùng sầu riêng Ri6. Do đó, bà Ngô Tường Vy hy vọng, thông qua hoạt động đấu giá sẽ góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm sầu riêng Ri6, tôn vinh sản phẩm sầu riêng đáng tự hào của Việt Nam.
Sau khi đấu giá thành công, đơn vị sẽ tặng quả sầu riêng mạ vàng Ri6 cho gia đình ông Sáu Ri, “cha đẻ” của giống sầu riêng này.
Trước đó, trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng lần thứ 2, năm 2024, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc tổ chức Hội thi Nông dân sản xuất sầu riêng giỏi. Hội thi thu hút 32 chủ vườn và 11 đội gõ sầu riêng đến từ các xã, thị trấn của huyện Krông Pắc tham gia, trải qua ba phần thi: vườn sầu riêng có năng suất chất lượng; bàn tay vàng trong làng nghề sầu riêng và nữ hoàng sầu riêng.
Các đội có 6 phút để gõ (dụng cụ bằng dao) và phân loại quả sầu riêng (loại A, B, C) theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau phần thi gõ, mỗi đội chọn ra hai quả sầu riêng hoàn hảo nhất (1 quả Ri6, 1 quả Dona) trong số những quả sầu riêng dự thi để thuyết trình.
Ban Giám khảo chấm theo các tiêu chí như: hình thức bên ngoài, độ tròn đều tổng thể; độ đều của các hộc; số hộc của quả; độ đều của gai; màu sắc cuống, vỏ, gai; không nhiễm nấm, sâu bệnh và phần thuyết trình giới thiệu để chọn ra ba “nữ hoàng sầu riêng.”
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc Y Djoang Niê, Hội thi Nông dân sản xuất sầu riêng giỏi với các phần thi (vườn sầu riêng có năng suất chất lượng, bàn tay vàng trong làng nghề sầu riêng, nữ hoàng sầu riêng) nhằm tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Thông qua hội thi, người dân trồng sầu riêng có động lực trồng và chăm sóc cây sầu riêng ngày càng năng suất, chất lượng, được thị trường trong và ngoài nước tin dùng.
Theo Hoài Thu (TTXVN/Vietnam+)