(GLO)- Hình như Gia Lai chưa có một sản phẩm du lịch đúng nghĩa. Mà ngay ở nhiều tỉnh thành khác cũng thế. Đến các khu du lịch, dù khác nhau hoàn toàn, rất cách xa nhau cả về địa lý lẫn văn hóa, lịch sử... nhưng đều thấy bán những thứ na ná nhau.
Tại nhiều sự kiện du lịch lớn ở tỉnh ta mấy năm qua, quà tặng là vấn đề khiến các nhà tổ chức băn khoăn tìm kiếm, rồi các sản phẩm du lịch để bán cho khách cũng thế. Vừa đơn điệu, vừa ít và giá trị sử dụng không cao nên người ta mua về rồi... để quên đâu đấy, trừ những ai có máu sưu tập, mỗi khi đi đâu lại kiếm một thứ gì đặc trưng ở đấy góp vào bộ sưu tập của mình.
Một thời, người ta hay bán áo thun và mũ in tên địa danh. Nhưng quả là những chiếc áo và mũ ấy chất lượng rất thấp, về cho máy giặt một lần là tanh bành.
Thịt bò một nắng. Ảnh: internet |
Năm ngoái con gái tôi đi Thái Lan về có mua tặng một chiếc quần. Mặc thử, thấy hết sức tiện. Vải mỏng, may kiểu rất... tùy hứng, là ai mặc cũng được, size nào cũng ok dù nó dài gần... 2 m, ngủ hay đi dạo trên phố... đều ổn. Quan trọng là vừa túi tiền, nếu không muốn nói là rẻ. Và nữa, mặc vào biết ngay Thái Lan bởi màu và họa tiết đặc trưng.
Tôi mặc, đi đây đi đó, thấy rất tiện (tất nhiên không mặc để đi làm). Vấn đề là tôi cũng thấy rất nhiều người mặc. Cả đoàn khách du lịch châu Âu đổ bộ vào Vinpearl Nam Hội An thì có chừng một nửa mặc quần này. Tôi đến các nơi như Đài Loan, Singapore… cũng thấy nhiều người mặc.
Từ đấy cứ vẩn vơ suy nghĩ về ngành du lịch nước nhà. Ta cũng bán đồ lưu niệm, về áo quần chủ yếu là mấy cái áo thun in hình cờ đỏ sao vàng hoặc áo in hình, chữ... địa danh du lịch... giá trị sử dụng ít, chủ yếu là mua về làm kỷ niệm. Sao không có sản phẩm nào như cái quần Thái ấy, nhiều người mua, và mua là sử dụng được, không cần in quốc kỳ hay địa danh lên đó nhưng chỉ cần nhìn là biết ngay xuất xứ. Trao đổi với một bạn trẻ làm thiết kế thời trang ở một khu du lịch, bạn này bảo cũng từng thiết kế một cái quần như thế, nhưng... không nhà sản xuất nào để mắt tới.
Ở Gia Lai, thi thoảng có bạn hỏi tôi, mua cái gì làm quà, quả là cũng lúng túng. Có mấy cửa hàng bán đồ lưu niệm nhưng cứ lưỡng lự miết chả biết mua cái gì để nó đúng là quà lưu niệm. Mấy chiếc áo thổ cẩm, mấy cái đàn trưng, mấy miếng gỗ lũa, những quả bầu, gùi... là những sản phẩm văn hóa. Còn vật chất thì có cà phê, hồ tiêu, măng... nhưng không phải ai cũng thích. Gửi tặng cà phê hoặc hồ tiêu cho các bạn phía Bắc thì phải hỏi trước: Có dùng không? Nếu không dùng thì tìm thứ khác chứ của một đồng công một nén, gửi ra rồi… để đấy thì phí.
Mấy năm nay, món thịt bò một nắng đang được chuộng để làm quà Tết. Nó nguyên thủy là món nai một nắng. Bà con vùng “chảo lửa” Krông Pa xưa bắt được nai, ăn không hết bèn đem phơi trên những tảng đá để ăn dần, khi ăn chỉ việc nướng lên là xong. Sau này, nai hết bèn chuyển sang bò. Bò xứ này là bò xịn, thịt ngọt và thơm. Nóng như thế, thiêu đốt như thế nên tác dụng của nắng Krông Pa là làm bò một nắng. Cũng miếng thịt bò ấy nhưng khi phơi dưới nắng Krông Pa nó thơm hơn, ngọt hơn và nó... một nắng hơn.
Giờ ở Pleiku khá nhiều người làm thịt bò một nắng... Krông Pa. Vào các quán ăn đều thấy dán biển quảng cáo bán bò một nắng, có nơi tiêu thụ hàng tạ thịt mỗi ngày. Nhiều cơ sở thực hiện quy trình khép kín: làm, đóng gói và bán. Không chỉ bán trực tiếp mà còn ship (giao hàng) đi khắp nơi.
Từ nai sang bò, giờ người ta “sáng chế” ra cả... heo một nắng. Đồng bào Tây Nguyên bản địa hình như không làm món này, tức món này không phải món truyền thống, mà đây là món mới được sáng chế ra theo trào lưu “một nắng” gần đây và giờ thì bà con cũng làm, thấy ăn cũng đậm đà ra trò.
Thế thì “một nắng” phải chăng chính là một đặc sản của Gia Lai. Nếu nhanh tay, nó trở thành “bản quyền” của du lịch Gia Lai, để khách đến đây trong hành lý trở về có vài cân quà “một nắng”... Nói nhanh tay là bởi ở Đồng Tháp, bên cạnh những món “khô” như khô sặc, khô lóc... cũng đã có cá lóc một nắng với cách làm như món nai một nắng Krông Pa.
Hoàng Mai Hương