Muôn nẻo tết Việt

Đầu năm đi phiên chợ Tết đặc biệt ở Huế để cầu tài lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người dân và du khách đến phiên chợ Tết đặc biệt ở xứ Huế này không chỉ vì mua bán mà còn vì một tập tục đã có từ lâu đời, vì để được khám phá những tinh hoa của Tết Huế xưa.

Trầu cau đắt hàng tại phiên chợ Tết Gia Lạc

Chợ Gia Lạc (thuộc tổ dân phố Nam Thượng, phường Phú Thượng, TP.Huế, Thừa Thiên Huế), nằm cách trung tâm TP.Huế khoảng 3km. Theo sử liệu, chợ Gia Lạc do hoàng tử con vua Gia Long là Định Viễn quận vương Nguyễn Phước Bình (1797-1863) thành lập vào Tết Nguyên đán Bính Tuất (năm 1826), dưới triều vua Minh Mạng.


 

 Hàng hóa ở chợ Gia Lạc được nhiều người mua nhất là trầu cau. Ảnh: Trần Hòe.
Hàng hóa ở chợ Gia Lạc được nhiều người mua nhất là trầu cau. Ảnh: Trần Hòe.


Ban đầu chợ chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhóm họp. Về sau, người dân trong vùng cũng đến chợ mua bán, trao đổi hàng hóa trong những ngày đầu xuân nên chợ trở nên náo nhiệt hơn. Các trò chơi dân gian xứ Huế như chơi bài chòi, hát đối đáp… cũng được phát triển ở chợ, thu hút nhiều người dân đến vui xuân.  

Bà Nguyễn Thị Vui (85 tuổi, trú phường Thuận An, TP.Huế) cho biết, hàng chục năm qua, dịp Tết năm nào bà cũng đi chợ Gia Lạc. "Từ thời còn nhỏ tôi đã cùng mẹ đi chợ mua trầu cau, chơi bài chòi, hát đối đáp. Gần đây dù tuổi cao sức yếu nhưng tôi vẫn không từ bỏ thói quen đi chợ vào dịp Tết. Đến chợ giúp tôi như được trở về với không gian của Tết Huế xưa", bà Vui chia sẻ.

Trong 3 ngày đầu năm mới, chợ Gia Lạc lúc nào cũng đông người mua kẻ bán. Không chỉ người dân ở TP.Huế và các vùng phụ cận, nhiều khách du lịch cũng tìm về khám phá phiên chợ Tết độc đáo này. Người ta đến chợ không chỉ để mua bán mà còn vì một tập tục đã có từ lâu đời, vì để được khám phá những tinh hoa của Tết Huế xưa. Người mua kẻ bán lấy việc cầu may và niềm vui làm chính nên ai cũng ăn mặc đẹp, đi lại, nói năng trao đổi với nhau hết sức lịch thiệp, tao nhã.


 

Gần như bất cứ ai đến phiên chợ Tết Gia Lạc cũng mua trầu cau để mong năm mới gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc. Ảnh: Trần Hòe.
Gần như bất cứ ai đến phiên chợ Tết Gia Lạc cũng mua trầu cau để mong năm mới gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc. Ảnh: Trần Hòe.


Hàng hóa ở chợ Tết Gia Lạc được nhiều người mua nhất là trầu cau. Những quả cau, lá trầu làng Nam Phổ nổi tiếng xứ Huế được người dân đưa đến bán rất nhiều ở chợ. Gần như bất cứ ai đến chợ cũng mua trầu cau để mong năm mới gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc.

Cau, trầu ở chợ Gia Lạc được xem là những món hàng quý phái, giá bán đắt hơn so với các chợ khác nhưng người mua không bao giờ trả giá. Ngoài ra, người đến chợ còn thưởng thức các món bánh Huế ngon nổi tiếng, nhất là bánh đúc xanh chấm với mật.

Các trò chơi dân gian như bài chòi, hát đối đáp ở chợ Gia Lạc từng rất thịnh hành. Ngày nay, do không gian họp chợ bị thu hẹp nên các trò chơi này mai một. Ở các phiên chợ Tết Gia Lạc xưa, các trò chơi này luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng nhạc cuốn hút. Hội bài chòi, hát đối đáp lúc đầu chỉ là sân chơi của người già, nhưng về sau ngày càng có nhiều thanh niên tham gia vui hội.

"Lúc đầu, các thanh niên đưa ông bà, cha mẹ mình đi chợ, thấy hội chơi thú vị nên tham gia rồi mê lúc nào không hay. Lượng thanh niên tham gia lớn nên người già nhiều khi mất chỗ. Các trò chơi truyền thống này góp phần đẩy lùi các tệ nạn vào dịp Tết", ông Lê Hùng Sơn (95 tuổi, sống cạnh chợ Gia Lạc) kể.

Bà Hồ Thị Hoàng Anh- chuyên gia về ẩm thực Huế là người từng được các tổ chức văn hóa nước ngoài mời phục dựng lại phiên chợ Gia Lạc của xứ Huế vào dịp Tết tại TP.HCM. Theo bà Hoàng Anh, Định Viễn quận vương Nguyễn Phước Bình- người lập ra chợ Gia Lạc là một vị hoàng tử rất đặc biệt. Hoàng tử này đã đi ngược lại với tư tưởng của vua và triều thần lúc bấy giờ là "trọng nông ức thương", tức là xem trọng việc ruộng đồng mà hạn chế việc mua bán.


 

Phủ Định Viễn quận vương- người thành lập chợ Gia Lạc dưới triều vua Minh Mạng. Ảnh: Trần Hòe.
Phủ Định Viễn quận vương- người thành lập chợ Gia Lạc dưới triều vua Minh Mạng. Ảnh: Trần Hòe.


Hoàng tử này đặc biệt say mê kinh doanh. Ông làm kinh doanh rất giỏi và trở nên rất giàu có. Ở Huế ngày xưa có câu "Phú bất như Định Viễn", nghĩa là không ai giàu bằng quận vương Định Viễn.

Do hợp tác buôn bán với thương nhân nước ngoài nên Định Viễn quận vương rất cởi mở và giao tiếp với nhiều giới. Ông lập ra phiên chợ Tết Gia Lạc để mọi người được tham gia buôn bán, chơi các trò chơi cung đình và dân gian ngày Tết. Vì vua Minh Mạng bấy giờ chỉ muốn hoàng thân quốc thích theo đuổi lối học từ chương và tránh xa việc thương mại nên Định Viễn quận vương thường bị vua khiển trách.

Bà Hoàng Anh cho biết, nhìn lại lịch sử sẽ thấy một nguyên nhân quan trọng khiến triều Nguyễn trở nên suy yếu là do đã coi thường việc kinh doanh, tìm cách hạn chế sự đi lại, giao thương của người dân nên xã hội trở nên trì trệ, lạc hậu. Trong bối cảnh đó vẫn có những người dám đi ngược lại chính sách chung của triều đình như Định Viễn quận vương, làm giàu thêm cả về vật chất lẫn tinh thần cho đời sống người dân Huế.

"Như vậy có thể thấy quận vương Định Viễn là người có công làm cho Tết Huế vui hơn, đậm màu sắc văn hóa hơn. Đây cũng là bài học lịch sử để chúng ta ngày nay xem lại vai trò của doanh nhân trong việc phát triển đất nước…", bà Hoàng Anh cho hay.



https://danviet.vn/dau-nam-di-phien-cho-tet-dac-biet-o-hue-de-cau-tai-loc-20220201174511539.htm

Theo Trần Hòe (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm