Du lịch

Hành trang lữ hành

Đầu năm khám phá cây cầu dài nhất Đông Nam Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi chúng tôi đến Brunei những ngày đầu năm 2024, cây cầu Sultan HajiOmar Ali Saifuddien vẫn còn đang thi công vài phân đoạn cuối cùng nhưng đã được đưa vào sử dụng với chiều dài là 26,3km.
Nhờ cây cầu Sultan HajiOmar Ali Saifuddie, hành khách dễ dàng đi lại giữa 2 vùng lãnh thổ của Brunei thay vì phải mất 2 giờ đồng hồ đi vòng qua Malaysia như trước. Ảnh: Anh Thư
Nhờ cây cầu Sultan HajiOmar Ali Saifuddie, hành khách dễ dàng đi lại giữa 2 vùng lãnh thổ của Brunei thay vì phải mất 2 giờ đồng hồ đi vòng qua Malaysia như trước. Ảnh: Anh Thư

Trước khi Sultan Haji Omar Ali Saifuddien được đưa vào lưu thông năm 2020, danh hiệu cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á từng thuộc về cầu Đình Vũ, Cát Hải ở Việt Nam với 5,44km. Năm 2014, Quốc vương Brunei cho khởi công xây dựng một cây cầu được đặt theo tên người cha quá cố của mình - Sultan Haji Omar Ali Saifuddien, với chức năng nối đất liền với vùng ngoại biên Temburong, vốn dĩ bị ngăn cách bởi huyện Sarawakian của Limbang (Malaysia) và vịnh Brunei ở Biển Đông.

Vầng trăng lưỡi liềm cùng ngôi sao năm cánh - biểu tượng của Hồi giáo, tôn giáo chính thức của Brunei, nằm trên đỉnh chóp của cây cầu. Ảnh: Anh Thư

Vầng trăng lưỡi liềm cùng ngôi sao năm cánh - biểu tượng của Hồi giáo, tôn giáo chính thức của Brunei, nằm trên đỉnh chóp của cây cầu. Ảnh: Anh Thư

Đón chúng tôi những ngày đầu năm 2024, anh hướng dẫn viên của công ty du lịch địa phương Freme tự hào giới thiệu về công trình này với du khách. Nhiều người trước khi qua Temburong để khám phá hoạt động dã ngoại độc đáo, nơi có công viên quốc gia Ulu, thường dừng chân tại đầu cầu để chụp ảnh lưu niệm.

Từ khi công trình lớn nhất trong lịch sử đất nước Hồi giáo với tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỉ USD, đi vào hoạt động, hành khách đi lại giữa hai vùng lãnh thổ Brunei mà không cần phải qua Malaysia như trước, giảm được 4 trạm kiểm soát nhập cư dọc tuyến đường đất liền và rút ngắn 3/4 thời gian di chuyển giữa Temburong và thủ đô Bandar Seri Begawan. Trước đây, nếu không đi qua Malaysia, người dân còn có thể sử dụng dịch vụ taxi nước, mất khoảng 45 phút đến một giờ đồng hồ.

Vẻ đẹp của cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien nhìn từ trên cao. Ảnh Bruneitourism
Vẻ đẹp của cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien nhìn từ trên cao. Ảnh Bruneitourism

Ít ai biết cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien vốn được thông xe sớm trước thời hạn vào ngày 17.3.2020, một ngày sau khi Brunei siết chặt biên giới vì Covid-19, giúp Temburong không bị ngắt kết nối với phần còn lại của đất nước. Là một cây cầu vượt biển, Sultan Haji Omar Ali Saifuddien có tầm nhìn thoáng đãng, 4 làn xe rộng rãi. Di chuyển trên cầu, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy "mỏ vàng" của Brunei, nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Brunei Shell Petroleum (BSP), đóng góp khoảng 90% doanh thu từ dầu khí, mang lại nền kinh tế thịnh vượng cho quốc gia quân chủ này.

Hiện cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien vẫn đang hoàn thiện một số hạng mục cuối, tổng chiều dài là 30 km. Ảnh: Anh Thư

Hiện cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien vẫn đang hoàn thiện một số hạng mục cuối, tổng chiều dài là 30 km. Ảnh: Anh Thư

Các phương tiện lưu thông trên cầu có thể đạt tốc độ 100 km/giờ, và thực tế xe 50 chỗ của chúng tôi di chuyển từ đầu cầu đến hết cây cầu mất khoảng gần 30 phút. Với tầm nhìn phóng thẳng ra vịnh, đây cũng là một địa điểm ngắm bình minh hay hoàng hôn lãng mạn không nên bỏ qua khi đến Brunei. Nếu may mắn đi vào những dịp lễ kỷ niệm hoặc sự kiện lớn của Brunei, bạn có thể ngắm dàn đèn LED đủ màu từ cây cầu bừng sáng một góc trên đảo Borneo.

Có thể bạn quan tâm