(GLO)- Hiện toàn huyện Kbang có 3 hồ thủy điện lớn, 25 đập thủy lợi nhỏ với tổng diện tích mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản khoảng 3.077 ha (chiếm 23,8% diện tích mặt nước tiềm năng phát triển thủy sản của tỉnh). Trong đó, một số hồ lớn như hồ Ka Nak (1.800 ha), hồ B thủy điện Vĩnh Sơn thuộc xã Sơn Lang (1.000 ha), hồ C thủy điện Vĩnh Sơn thuộc xã Đak Rong (320 ha), hồ Plei Tơ Kơn (32 ha)… Ngoài việc sản xuất điện thì các hồ này đang là nơi khai thác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn.
Trong những năm qua, tuy việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện còn mang tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ…; nhiều cơ sở hạ tầng nuôi trồng chưa được đầu tư và chưa có định hướng phát triển song cũng đã mang lại được những kết quả đáng khích lệ như: tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện năm 2010 là 1.120 ha mặt nước (tăng 357% so với năm 2001 và 52% so với năm 2006) và sản lượng đạt hơn 215 tấn (tăng 81,9% so với năm 2006), sản lượng năm 2011 đạt 238 tấn.
Nuôi cá lồng trên hồ Ka Nak. Ảnh: Thanh Phong |
Việc phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác và sử dụng tối đa diện tích mặt nước trên địa bàn. Đồng thời, nuôi trồng thủy sản sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho địa phương như cung cấp thủy sản phục vụ cho tiêu dùng trong và ngoài huyện, mục tiêu hướng đến xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm cho người dân, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo.
Trước tiềm năng lớn về nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn, huyện Kbang đã phê duyệt dự án quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với đề án nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2012-2016 và đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 44,8 tỷ đồng (giai đoạn 2012-2016 là 33 tỷ đồng, giai đoạn 2017-2020 là 11,8 tỷ đồng). Với các loại giống như: cá trắm cỏ, chép, trôi ấn, mè trắng, mè hoa, rô phi, diếc, trê lai… và một số giống cá đặc sản như: cá tầm, cá lang đuôi đỏ, ba ba, chình, tôm càng xanh, chạch bùn… Huyện Kbang đã triển khai mô hình nuôi cá lồng bè cho một số hộ dân tại thị trấn Kbang và xã Đak Smar.
Theo đó, mô hình thực hiện nuôi thí điểm 52 lồng bè (40 lồng lớn, 12 lồng nhỏ) nuôi cá rô phi và cá điêu hồng trên lòng hồ. Mỗi lồng có kích thước hơn 4 m2, bề mặt kết cấu bằng ống tuýp sắt, bề sâu chìm dưới nước khoảng 2 mét là các lớp lưới chắc chắn. Cả cụm được liên kết nhau thành một khối và được cho nổi trên mặt nước nhờ các phao bằng thùng phuy. Trên một góc bè có làm nhà chứa thức ăn, cho người nuôi ăn ở tại chỗ chăm sóc cá.
Bước đầu cho thấy mô hình này phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, cá sinh trưởng và phát triển tốt. Song để có được đầu ra, có nơi tiêu thụ cá ổn định đang làm đau đầu chính quyền địa phương và người dân nuôi cá lồng bè. Anh Nguyễn Minh Dương-thôn 2, xã Đak Smar một trong những hộ được chọn nuôi thí điểm cho hay: Nuôi cá lồng bè trên lòng hồ rất phù hợp, cá phát triển tốt. Sau khoảng 3 tháng nuôi cá đạt trọng lượng từ 3 đến 4 kg/con. Còn ông Nguyễn Ngọc Thu-Chủ tịch UBND xã Đak Smar, cũng là một trong những hộ tiên phong nuôi thí nghiệm cá lồng bè cho biết: Mình là cán bộ phải làm trước để bà con thấy để làm theo. Nhìn chung cá phát triển tốt, song đầu ra vẫn chưa có nên chúng tôi tạm thời tiêu thụ trong nội địa.
Hiện trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất giống, do đó hầu hết lượng con giống người nuôi chủ yếu nhập về từ các tỉnh: Đak Lak, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Nguồn thức ăn cho cá người dân cũng phải đi mua tại các tỉnh khác hoặc đặt các đại lý cung cấp thức ăn mua giùm… do đó chi phí đầu tư tăng cao. Vì vậy người nuôi trồng thủy sản cần đầu ra ổn định góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển.
Ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng-cơ quan thực hiện mô hình nuôi cá lồng bè cho biết thêm: Mô hình nuôi cá lồng bè nhằm giúp người dân phát triển kinh tế.
Thực hiện mô hình này Nhà nước hỗ trợ vật tư, lồng bè, giống, một phần thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Tuy nhiên, đầu ra trước mắt người dân phải tự tìm nơi tiêu thụ chủ yếu là nội địa. Trong thời gian tới, khi nuôi trồng thủy sản phát triển sẽ tính đến đầu ra bằng đông lạnh, xuất qua các tỉnh lân cận và xuất khẩu. Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp thành lập các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn huyện; thúc đẩy sự phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững.
Lê Nam