Dấu tích biệt thự cổ dưới chân núi Hàm Rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách chân núi Hàm Rồng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) chừng 1 km là một ngôi nhà đổ nát cùng mấy đài chứa nước. Đó là vết tích của một dãy biệt thự mang dấu ấn kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm 1930. Ít người biết rằng, sau giải phóng năm 1975, đây là nơi lưu trú của những con người “đếm gió, đo mây” để chọn loại cây trồng phù hợp canh tác ở Gia Lai hay gánh thông phủ xanh Phố núi.
Chứng tích lịch sử
Chiều hắt nắng qua rừng thông xanh, buông xuống ngôi biệt thự nhuốm bụi thời gian ở cạnh làng Ngol Tả. Tôi cố hình dung một dãy biệt thự xây theo kiến trúc Pháp cổ từng hiện hữu mà một số người đã sinh sống, làm việc tại đây kể lại. Một thoáng chạnh lòng khi tận mắt nhìn ngôi nhà đổ nát đứng cô lẻ giữa khoảng đất trống cạnh rừng thông xanh. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trạm Nghiên cứu chống xói mòn đất nông nghiệp Tây Nguyên năm 1980 (ảnh do ông Trương Văn Luận cung cấp)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trạm Nghiên cứu chống xói mòn đất nông nghiệp Tây Nguyên năm 1980 (ảnh do ông Trương Văn Luận cung cấp).
Lần giở trang ký ức về nơi này, ông Trương Văn Luận-Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải du lịch Thuận Tiến Gia Lai-nhớ lại: Năm 1978, cán bộ, nhân viên của Trạm Nghiên cứu chống xói mòn đất nông nghiệp Tây Nguyên (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) được giao tiếp quản nơi này. Thời đó, mọi người cùng ăn ở, làm việc trong 4 ngôi biệt thự được xây theo kiến trúc Pháp cổ để nghiên cứu khoa học theo đề tài của Giáo sư Nguyễn Văn Triển. Nhiệm vụ là nghiên cứu khí hậu, thủy văn, địa mạo của Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung để Nhà nước triển khai các chương trình nông nghiệp. Sau khi đề tài hoàn thành thì bàn giao lại cho Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) kế thừa để tiếp tục trồng thông phủ xanh các ngọn đồi quanh TP. Pleiku.
“Trước khi chúng tôi vào tiếp quản, khu vực này là đồn điền cà phê do bà Nguyễn Thị Thi sở hữu. Trên biển đồng của các biệt thự có ghi nhà được xây từ năm 1930 theo kiến trúc Pháp. Trước đó, đây là Trại Nghiên cứu giống cây trồng của chế độ cũ. Họ xây dựng 8 biệt thự cho chuyên gia của trại ở và làm việc. Hộ bà Thi nhận lại khi trại hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu. Thời chúng tôi còn làm ở trại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân, lãnh đạo Nhà nước và tỉnh Gia Lai có đến thăm. Một số tấm hình lưu niệm chụp với bác Giáp, khi anh Nguyễn Hữu Quế còn làm Chủ tịch UBND TP. Pleiku năm 2019, tôi chuyển cho anh ấy scan để trưng bày nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập đô thị Pleiku”-ông Luận hồi tưởng.
Kể thêm về thời gian làm việc trong những ngôi biệt thự Pháp cổ ở gần làng Ngol Tả, ông Luận nói: “Hồi đó, người Pháp xây dựng bài bản, ngoài mấy biệt thự thì còn có mấy bồn chứa nước lớn dẫn từ con suối gần đó lên và một trạm thủy điện nhỏ phục vụ cho hoạt động của Trại Nghiên cứu giống cây trồng. Riêng nhà cửa xây dựng kiên cố bằng bê tông, có móng cao gần 2 m, tường hơn 20 cm. Mỗi nhà có 6-7 phòng gồm phòng ở, tầng hầm và nhà vệ sinh. Đặc biệt trong phòng khách, phòng ngủ đều có lò sưởi. Thời đó, khí hậu lạnh lắm nhưng nếu ở bên trong nhà rất ấm”.
Thời gian phủ màu lên phế tích biệt thự Pháp cổ ở làng Ngol Tả. Ảnh: Nguyễn Tú
Thời gian phủ màu lên phế tích biệt thự Pháp cổ ở làng Ngol Tả. Ảnh: Hoành Sơn 
Từng có thời gian ngang qua khu vực biệt thự Pháp cổ, hai cựu cán bộ của Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới là Trần Văn Con và Đoàn Ngọc Sơn chia sẻ: Theo bản đồ của Cục Địa dư Đà Lạt thì trước năm 1975, bà Nguyễn Thị Thi là chủ sở hữu khu đồn điền có mấy biệt thự Pháp cổ ở làng Ngol Tả. Trạm Nghiên cứu chống xói mòn đất nông nghiệp tiếp quản rồi bàn giao lại chừng 9 ha đất cho Trung tâm quản lý. Một số nhân viên của trạm cũng được chuyển sang đơn vị làm, số còn lại chuyển đi nơi khác.
“Chúng tôi không ở trên đó nhưng thường xuống kiểm tra, trồng rừng. Khi ấy có 3 hộ gia đình là nhân viên của Trạm Nghiên cứu chống xói mòn đất nông nghiệp chuyển sang làm cho Trung tâm ở đó để trồng, bảo vệ rừng thông mới trồng. Một thời gian sau, khi cây thông đã lớn phủ xanh đồi thì chúng tôi ít xuống dưới đó, 3 hộ dân cũng chuyển đi, mấy biệt thự dần bị bỏ hoang. Vì ít người lui tới nên dần dần mấy biệt thự này bị đổ, còn lại mấy bồn xây bằng xi măng đựng nước và một phần của một ngôi biệt thự ở gần trạm gác của Trung tâm”-ông Sơn chia sẻ.
Mấy buổi lang thang thu thập tư liệu, một số hộ dân người Jrai sinh sống lân cận vẫn truyền miệng câu chuyện tình lãng mạn của một đôi trai gái người Pháp-Việt. Hai con người mang hai dòng máu khác nhau đã vun đắp tình yêu trong một ngôi biệt thự cổ do họ tự xây nên. Để rồi, sau này, người Pháp chọn vùng đất đó xây dựng trụ sở Trại Nghiên cứu giống cây trồng. Dẫu chưa có bằng chứng cụ thể nhưng nhìn phong cảnh hữu tình, tôi nghĩ câu chuyện truyền miệng ấy là khả dĩ.
Tiềm năng du lịch
Điều để lại ấn tượng nhất với tôi là kiến trúc xây dựng của ngôi biệt thự. Ngót nghét 1 thế kỷ, dù có một số cột trụ, tường bị đổ nhưng kết cấu nhà bền vững, nhất là phần móng. Móng nhà xây cao chừng 2 m vững chãi, xuất hiện ít vết nứt. Lớp bê tông trộn khó bong tróc. Mấy ống khói xây ở góc các phòng có tường dày, cao chừng 10 m, không bị gãy đổ. Theo lời vài già làng Ngol Tả thì nguyên nhân khiến một phần của căn biệt thự bị đổ là vì những người tìm phế liệu đập phá lấy sắt thép dẫn đến mất liên kết. 
Nhìn sương chiều bảng lảng trên mấy bức tường biệt thự cổ đổ nát có một vài thân cây cao lớn trơ trọi lá bám rễ, nghe ngàn thông vi vu réo ngày vào tối và hít hà mùi hương hoa cà phê dịu nhẹ bay đến từ khu canh tác đối diện thì quả là một trải nghiệm thú vị. 
Từ trên cao nhìn xuống, phần tường xây của căn biệt thự Pháp cổ còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Nguyễn Tú
Từ trên cao nhìn xuống, phần tường xây của căn biệt thự Pháp cổ còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Hoành Sơn 
Một nhân viên ở trạm bảo vệ rừng của Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới gần phế tích biệt thự cổ nói với chúng tôi rằng, thi thoảng có một vài nhóm thanh niên rủ nhau đến biệt thự cổ chụp hình lưu niệm. Cũng có nhóm mang theo flycam để quay làm phim. “Tường phủ kín rêu phong, cộng với một vài cây lớn mọc trong các phòng của căn nhà, hoa dã quỳ nở vàng đã tạo một vẻ đẹp hoài cổ và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, chỗ này cách trung tâm thành phố 6-7 km và cách quốc lộ 14 chưa đến 1 km, đường dễ đi. Chính những điều đó khiến các bạn trẻ đến chụp hình”-người gác rừng thổ lộ.
Lại nhớ trong cuộc trò chuyện với tôi, ông Trương Văn Luận nhiều lần nhắc về vị trí đắc địa của vùng này. Ông Luận bộc bạch: “Người Pháp gây chiến tranh khiến dân ta thống khổ nhiều. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc hay chương trình nghiên cứu về địa chất, khí tượng, cây trồng của họ ở nước ta thì phải ghi nhận. Từng làm nghề quan trắc, tôi hiểu rõ điều này. Không phải ngẫu nhiên mà họ đặt Trại Nghiên cứu giống cây trồng ở gần làng Ngol Tả. Bởi vùng đó là nơi chuyển tiếp của địa hình kiến tạo carxtơ của núi lửa, tầng phong hóa địa mạo bazan và vành đai điều tiết khí hậu vùng cho TP. Pleiku. Thêm nữa là việc rừng thông điều hòa khí hậu rất tốt. Vì thế, vùng đất ấy có khí hậu trong lành, phù hợp xây dựng khu nghỉ dưỡng, bệnh viện. Tôi ở đó nhiều năm mà không hề bị bệnh tật gì”.
Hệ thống lò sưởi được xây dựng kiên cố dù ngót nghét 100 năm. Ảnh: Nguyễn Tú
Hệ thống lò sưởi được xây dựng kiên cố dù ngót nghét 100 năm. Ảnh: Hoành Sơn
Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Trần Hồng Sơn cũng thông tin: “Biệt thự Pháp cổ còn sót lại nằm trong lâm phần đơn vị quản lý. Trước đây, chúng tôi dự định làm một khu vực sinh thái nho nhỏ có trồng nhiều loại hoa để du khách thưởng ngoạn. Nhưng sau vướng một số vấn đề nên chúng tôi trồng khảo nghiệm cây mắc ca. Chúng tôi đang bàn tính sẽ trồng xen nhiều loại hoa giữa vườn mắc ca để du khách có lên chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biệt thự Pháp cổ sẽ có thêm không gian chụp ảnh lưu niệm. Thông qua hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch cho thành phố và giúp quảng bá lợi ích của công tác trồng, bảo vệ rừng của đơn vị”.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku thì: Khi anh Nguyễn Hữu Quế làm Chủ tịch UBND TP. Pleiku đã khảo sát thực tế biệt thự Pháp cổ này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chúng tôi chưa xây dựng phương án khu vực đó thành một di tích, địa điểm tham quan, du lịch. Thành phố cũng mới có kế hoạch khảo sát tiềm năng du lịch ở khu vực nói trên.
Màu của thời gian đã xóa nhòa đi nhiều thứ mà lịch sử để lại. Chứng nhân một thời rồi cũng xa mờ như bóng mây cuối trời. Trong khi cuộc sống luôn hướng về phía trước, đặc biệt là phát triển kinh tế từ nguồn thu các địa điểm du lịch của địa phương, thì biệt thự Pháp cổ ở làng Ngol Tả là một tiềm năng.
HOÀNH SƠN