Kinh tế

Đầu tư công không nên hướng vào kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 28-10, Đại biểu Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quá trình phân bổ các dự án đầu tư công phải nhằm đúng vào các lĩnh vực đang là nút thắt của nền kinh tế, từ đó mới tạo được đột phá trong cơ sở hạ tầng.
 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí bên lề Quốc hội.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí bên lề Quốc hội.


Ông Lộc nhấn mạnh, nguồn lực và cơ cấu đầu tư công là quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả. Làm sao để mỗi đồng vốn đầu tư công sản sinh ra nhiều đồng vốn khác trong xã hội và nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.

- Ông đánh giá thế nào về kế hoạch đầu tư công trung hạn vừa được Chính phủ trình Quốc hội?

Ông Vũ Tiến Lộc: Bên cạnh cải cách thể chế, việc tăng đầu tư công hiệu quả là một giải pháp rất quan trọng. Đầu tư công sẽ góp phần cải thiện các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là động thái tích cực.

Tuy nhiên, quá trình phân bổ các dự án đầu tư phải nhằm đúng nút thắt của nền kinh tế, đặc biệt cơ chế thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Khi chúng ta thực hiện đầu tư công theo hướng này sẽ tạo được đột phá trong cơ sở hạ tầng.

Tôi tin rằng Bộ Tài chính đã có phương án tăng đầu tư công thì cũng phải kèm theo phương án có nguồn thu để đảm bảo việc tăng đầu tư này.

Vấn đề tôi lo lắng là tăng chi phí hành chính, chi phí thường xuyên, còn tăng chi cho đầu tư công một cách hợp lý, hiệu quả là động thái tích cực và tôi nghĩ Bộ Tài chính đã tính đến nguồn thu để có thể đảm bảo được việc tăng đầu tư cơ bản đó. Tôi rất hoan nghênh nỗ lực này.

- Tuy nhiên, nhu cầu chi cho đầu tư công tăng cao trong bối cảnh thu, chi ngân sách còn nhiều khó khăn cũng là một áp lực lớn, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tỷ lệ dành cho đầu tư công là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư. Như tôi đề cập ở trên, đầu tư công là phải hướng vào phát triển cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, không phải vào kinh doanh.

Tuy nhiên, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội phải tính đến những nút thắt mà khi đầu tư vào sẽ tháo gỡ được và tạo động lực cho tăng trưởng.

Để làm được, vấn đề quan trọng cần tính đến là cơ chế thực hiện làm sao cho đầu tư công được thực hiện hiệu quả. Muốn làm được phải thực hiện trên cơ sở minh bạch, các đơn vị tham gia dự án đầu tư công phải đặt trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Vì vậy, nguồn lực và cơ cấu đầu tư công là quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả. Làm sao để mỗi đồng vốn đầu tư công sản sinh ra nhiều đồng vốn khác trong xã hội và nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.

- Đầu tư công đòi hỏi nguồn lực lớn, ngoài nguồn vốn nhà nước, theo ông làm thế nào để thu hút thêm được các nguồn lực khác?

Ông Vũ Tiến Lộc: Để có thêm nguồn lực phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án đầu tư công. Tôi hy vọng đầu tư công không chỉ có một đồng vốn đơn lẻ của nhà nước mà phải kéo được nhiều đồng vốn khác từ xã hội.

Công thức để đầu tư công hiệu quả hiện nay là PPP (đối tác công tư), như vậy sẽ làm tăng được nguồn lực cho đầu tư công.

Vấn đề thứ hai là nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát trong đầu tư công trên cơ sở có sự giám sát của các đối tác khu vực tư nhân và đối tác nước ngoài.

Tôi nghĩ thời gian tới việc đầu tư công không còn tình trạng “một mình một chợ” do nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Thứ nữa là các nhà thầu thi công dự án phải được lựa chọn trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế.

- Cũng trong thời gian vừa qua, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã có động thái điều tiết lại nguồn cho các thành phố, trong đó có các thành phố lớn từ 23% xuống còn 18%. Vậy theo ông, việc cắt giảm đầu tư cho các địa phương hiện nay như thế nào và có cần phải đảm bảo nguồn lực cho các địa phương mà vẫn đảm bảo được cân đối ngân sách không ạ?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ, vấn đề rất quan trọng là từ Chính phủ, Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có phương án điều tiết ngân sách hay điều tiết đầu tư để thực sự thúc đẩy tăng trưởng. Khi tính đến việc cắt giảm đầu tư của các địa phương, tôi tin rằng Chính phủ, Bộ Tài chính phải dựa trên quan điểm như vậy.

Với nguồn lực như vậy của đất nước, nguồn vốn đầu tư Trung ương cần phải tập trung vào những địa bàn, những lĩnh vực nào để nó tạo nên hiệu quả lớn nhất cho nền kinh tế. Đây sẽ là yêu cầu đối với Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc điều tiết các khoản thu chi của các địa phương. Tôi nghĩ Chính phủ cũng như các địa phương cũng phải xuất phát từ lợi ích chung đó để quyết định ngân sách của mình.

- Đối với các dự án hạ tầng lớn, có vốn đầu tư lớn ví dụ đường cao tốc Bắc-Nam, theo ông ngoài nguồn vốn nhà nước có nên vay vốn nước ngoài để thực hiện?

Ông Vũ Tiến Lộc: Bây giờ không chỉ có công thức vay vốn nước ngoài mà còn có công thức huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đó. Và chúng ta có thể thu phí dự án. Nên không chỉ có vay mà còn có cả huy động nguồn vốn đầu tư và chia sẻ lợi ích trong quá trình khai thác các công trình, dịch vụ công đó.

- Trong tờ trình của Chính phủ có đề nghị dành 70.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc-Nam. Với tư cách đại biểu Quốc hội ông có suy nghĩ gì trước việc quyết định dành nguồn lực lớn đề đầu tư vào một dự án như vậy?

Ông Vũ Tiến Lộc: Khi quyết định đầu tư một dự án, bao giờ chúng ta cũng đứng trước sự lựa chọn, cân đối giữa những yêu cầu dài hạn của nền kinh tế với đảm bảo chi tiêu ngân sách, đảm bảo giảm nợ công...

Nhưng tôi nghĩ những quyết sách đầu tư các dự án lớn cũng không thể trì hoãn, quan trọng là cơ chế, cách thức thực hiện. Vì chính các dự án đó sẽ tạo ra động lực phát triển của nền kinh tế, nguồn thu cho ngân sách trong tương lai thông qua sự phát triển của doanh nghiệp, sự sôi động của nền kinh tế.

Vấn để phải thu hút được các nguồn vốn trong xã hội cùng tham gia, không chỉ có ​mỗi nguồn lực nhà nước, PPP là một mô hình hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm