Kinh tế

Giá cả thị trường

Đầu tư FDI: Được và mất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cái được lớn nhất từ đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) dĩ nhiên là những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhà nước thu được tiền thuế (cũng có nhiều doanh nghiệp FDI tìm mọi cách lách thuế hoặc khai lỗ rồi chuyển tiền ra nước ngoài), công nhân Việt Nam có việc làm. Nhưng cái chưa được là sự phát triển của nền công nghiệp nội địa Việt Nam.
Gần như các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ khả năng để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị FDI, một chuỗi cung ứng mang tầm vóc toàn cầu. Ở đây có 2 mặt: một mặt, nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu; mặt khác, các doanh nghiệp FDI nước ngoài “giành giật” hết những thị phần béo bở trong chuỗi cung ứng, thẳng tay gạt các doanh nghiệp Việt Nam ra ngoài.
Sản xuất (thực chất là lắp ráp) xe ô tô ở Việt Nam do các doanh nghiệp lớn nước ngoài thực hiện- Ảnh nguồn internet
Sản xuất (thực chất là lắp ráp) xe ô tô ở Việt Nam do các doanh nghiệp lớn nước ngoài thực hiện- Ảnh nguồn internet
Đây là cuộc chơi thực sự máu lửa, chứ không phải là chuyện “vỗ tay” trong các cuộc hội thảo hay hội nghị về xúc tiến đầu tư. Lâu nay, chúng ta quá đơn giản khi nghĩ về FDI, mà trong thực tế, “thương trường” lại luôn luôn là “chiến trường”, một chiến trường tuy không đổ máu nhưng có thể “mất cả chì lẫn chài”, có thể bị phá sản một cách dễ dàng khi người ngoài lấn ép.
FDI luôn có 2 mặt như thế, nhưng mặt tích cực nhất của nó thì Việt Nam vẫn chưa tận dụng được. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cả nội địa lẫn toàn cầu và trong quá trình tham gia sẽ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cung ứng nội địa của mình tới mức có thể thu lợi lớn nhất từ đó. Còn một khi đã không tham gia được, chỉ cung ứng lặt vặt, thu lợi nhỏ nhoi, thì chưa thể nói đầu tư FDI mang lại lợi ích lớn cho công nghiệp Việt Nam, cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Lấy ví dụ dễ thấy nhất là sản xuất (thực chất là lắp ráp) xe ô tô ở Việt Nam do các doanh nghiệp lớn nước ngoài thực hiện. Bao nhiêu năm trời, Việt Nam tạo rất nhiều điều kiện ưu đãi, thế nhưng ngành công nghiệp ô tô “Made in Viet Nam” thì chẳng thấy đâu! Bây giờ mới có Vingroup tự sản xuất ô tô mang nhãn mác Việt Nam nhưng họ đâu phải FDI?
Cũng như thế, Trường Hải là một doanh nghiệp trong nước, có liên doanh với nước ngoài, nhưng vẫn là doanh nghiệp trong nước. Năm ngoái, họ nộp cho ngân sách nhà nước hơn 14 ngàn tỷ đồng. Liệu có doanh nghiệp FDI sản xuất ô tô nào trong nước theo kịp?
Gia Lai còn nhiều hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài bởi nhiều nguyên nhân. Nhưng cũng đừng vì thế mà “sốt ruột” khi bằng mọi giá thu hút đầu tư nước ngoài. Vì như thế, lợi sẽ bất cập hại. Tôi nghĩ, với 5 doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Gia Lai, nếu quản lý tốt, nếu họ sản xuất và kinh doanh tốt thì sẽ là kinh nghiệm quý báu để sau một thời gian phát triển thêm những doanh nghiệp FDI mới. Nhưng cũng đừng quá háo hức trước lời hứa “sẽ có làn sóng mới đầu tư FDI vào Gia Lai”, vì địa phương sẽ lãnh đủ nếu những doanh nghiệp FDI đầu tư vào “có vấn đề”. Mà bây giờ, “vấn đề” thì nhiều lắm, bắt đầu từ môi trường, rồi tới hiệu quả kinh tế hay họ có là động lực thật sự cho phát triển kinh tế ở địa phương hay không? Bao nhiêu câu hỏi không thể trả lời ngay một lúc. Vì thế, cần rất chặt chẽ trong khâu thẩm định các nhà đầu tư. Kinh nghiệm thất bại ở nhiều địa phương khác trong nước cho chúng ta bài học xương máu ấy.  
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm