Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam- Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nước ta có 1.137 km đường biên giới chung với Campuchia. Ứng với đó là 314 vị trí mốc với 371 mốc, gồm 268 mốc đơn, 35 mốc đôi, 11 mốc ba. Trên địa bàn Tây Nguyên có 431,3 km đường biên, gồm 61 vị trí mốc với 77 mốc, riêng Gia Lai có 90 km đường biên (19,6 km đường biên giới trên sông và 70,4 km đường biên giới đất liền) gồm 16 vị trí mốc với 20 mốc (13 mốc đơn, 2 mốc đôi và 1 mốc ba), gồm 1 mốc đại A và 19 mốc trung B.
Với sự nỗ lực của hai Đảng, hai Nhà nước trong việc tháo gỡ những bế tắc để đạt được các thỏa thuận theo tinh thần Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 của Chính phủ hai nước Việt Nam- Campuchia, công tác phân giới cắm mốc (PGCM) trên bộ giữa hai bên đã đạt được những kết quả nhất định. Tính đến cuối tháng 3-2010, hai bên đã thực hiện phân giới được 6,75 km, xác định được 131 vị trí, ứng với 164 mốc trên toàn tuyến; đã cắm được 142 mốc, đạt 38,27% (gồm 89 mốc đơn, 37 mốc đôi và 16 mốc ba). Gia Lai đã tổ chức thi công xây dựng và hoàn chỉnh các cột mốc 25 (mốc 3), 27 (mốc 2) và hoàn chỉnh hồ sơ cột mốc 28 (mốc đơn) gửi Ủy ban Biên giới quốc gia Bộ Ngoại giao nghiệm thu, đạt 1/6 kế hoạch.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Kla tuyên truyền chủ trương phân giới cắm mốctại làng Bi, xã Ia Dom (Đức Cơ). Ảnh: Thùy Trang
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Kla tuyên truyền chủ trương phân giới cắm mốc tại làng Bi, xã Ia Dom (Đức Cơ). Ảnh: Thùy Trang
Nói về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, Đại tá Đoàn Vĩnh Quý- Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, cho biết: Về chủ trương, hai Đảng, hai Nhà nước rất quan tâm nhưng khi triển khai thực hiện chưa có sự thống nhất, nhất là về mặt kỹ thuật dẫn đến tiến trình bị chậm. Trước đây, hai bên đưa ra chủ trương cố gắng giải quyết xong trong năm 2009 nhưng nay lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận, thống nhất hoàn thành chậm nhất vào năm 2012. Tuy nhiên, hai bên còn chưa thống nhất cao trong khâu khảo sát, vẽ trên bản đồ nên hoàn thành chủ trương này cũng rất khó. Ví dụ: Trong 20 cột mốc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có cột mốc số 30 tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là mốc đại qua rất nhiều lần hội đàm vẫn chưa thống nhất được về vị trí. Do đó, từ mốc 30 trở về tuyến phía Nam giáp Đak Lak đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Hay như cột mốc số 26 tại địa bàn tiếp giáp Đồn Biên phòng Ia Chía và Đồn Biên phòng Ia Kla chỉ chênh nhau mấy mét nhưng cũng không thống nhất được đành phải dừng lại để đàm phán tiếp. Riêng mốc 29, hai bên đã đi khảo sát nhưng vẫn chưa thống nhất được vị trí.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ PGCM theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, tỉnh ta chủ trương chỗ nào thống nhất được thì làm trước chứ không theo thứ tự như những năm qua. Quan điểm của ta là tuân theo đúng các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận cũng như những quy định của Hiệp ước 1985, đáp ứng được mối quan tâm và phù hợp với lợi ích của cả hai bên, bảo đảm cho việc quản lý ổn định, lâu dài, tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai. Thế nhưng, sự thỏa thuận này phải trên tổng thể toàn tuyến, nếu không thỏa thuận được thì vẫn bảo vệ biên giới theo đường biên hiện trạng. Song, để khẳng định về mặt chủ quyền, tạo cơ sở pháp lý về lâu dài, tỉnh ta đang nỗ lực đẩy mạnh việc trao đổi giữa hai bên, cố gắng trong năm nay hoàn thành 3 cột mốc 26, 29 và 30, nhất là cột mốc 30 tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Theo đó, Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các  cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới và giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các nội dung liên quan đến công tác PGCM. Phối hợp triển khai tốt công tác tuyên truyền về công tác PGCM trên địa bàn tỉnh, nhất là 3 huyện biên giới: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông. Song song với đó, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân nhằm trao đổi, thống nhất nắm tình hình chung liên quan đến bảo vệ chủ quyền biên giới hai bên; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tranh thủ nhân dân hai bên biên giới, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó với nhau, tạo môi trường thuận lợi để triển khai kế hoạch PGCM. Động viên, khuyến khích nhân dân hai bên thực hiện nghiêm hiệp định, quy chế biên giới, tham gia cùng bộ đội biên phòng trong việc gìn giữ bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc; kiên quyết chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam- Campuchia.
Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm