(GLO)- Diện tích rừng trải dài trên địa bàn nhiều xã nên công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) xã Nam (huyện Kbang) gặp không ít khó khăn. Trước thực tế đó, đơn vị đã mạnh dạn giao khoán rừng cho người dân các làng nhận chăm sóc và bảo vệ. Không chỉ giúp người dân được hưởng lợi, việc này còn góp phần đáng kể vào công tác quản lý bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc ở địa phương.
Ban QLRPH xã Nam đang quản lý và bảo vệ 6.819,5 ha đất rừng tự nhiên và rừng trồng. Diện tích rừng của đơn vị trải dài qua các xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Lơ Ku và Kông Pla. Phần lớn diện tích rừng gần với các làng đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống từ bao đời nay nên dễ bị xâm lấn. Công tác quản lý bảo vệ rừng vì vậy luôn được đơn vị tăng cường. Trong đó, giao khoán cho người dân các làng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng để hưởng lợi theo quy định của Nhà nước 200.000 đồng/ha đã được đơn vị thực hiện từ nhiều năm nay.
Người dân phát dọn thực bì để phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Đ.T |
Từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, Ban QLRPH xã Nam đã ký hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng với người dân các làng ở xã Tơ Tung và Lơ Ku với diện tích 4.307,2 ha. Trong đó, giao khoán cho 243 hộ ở các làng: Len, Tung, Stơr, Tong Tưng, Đê Bar, Đầm, Cao Sơn và làng Klếch (xã Tơ Tung) 3.438,6 ha; giao cho 10 hộ ở 2 làng Tơ Tưng và Tơ Pơng (xã Lơ Ku) 868,6 ha.
Ông Đinh Êm-Trưởng thôn Đê Bar (xã Tơ Tung), cho biết: Từ năm 2007 đến nay, làng đã nhận khoán quản lý bảo vệ 535 ha rừng có hưởng lợi. Ngay từ khi nhận khoán, xác định công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, vì vậy người dân hợp sức tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ vào mùa khô cũng như mùa mưa. Theo đó, bà con trong làng chia thành nhiều tổ, mỗi lần vào rừng thường đi theo nhóm 4-5 người, rồi xoay vòng. Mỗi tháng vào kiểm tra khoảng 5 lần và chia đều cho tất cả người dân trong làng. Trong đó, nòng cốt là 78 hộ nhận khoán. Qua 10 năm nhận khoán, ý thức quản lý bảo vệ rừng của bà con đã được nâng lên rõ rệt. Đời sống còn nhiều khó khăn nên khi được nhận giao khoán, người dân rất phấn khởi vì được hưởng kinh phí bảo vệ, chăm sóc. Nguồn thu nhập này giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển văn hóa, ủng hộ thêm kinh phí làm đường giao thông nông thôn. Người dân trong làng không còn lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, hầu hết đều chấp hành nghiêm công tác quản lý bảo vệ rừng. Từ người lớn đến trẻ em đều tin tưởng và hỗ trợ nhau trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Hễ có động tĩnh gì là bà con kịp thời báo cho lực lượng chức năng và phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ.
Ông Cao Văn Tư-Trưởng ban QLRPH xã Nam, cho biết thêm: Thực hiện chủ trương giao khoán rừng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ có hưởng lợi, những năm qua, công tác giao khoán tại các làng, xã có diện tích rừng của đơn vị đứng chân đã phát huy hiệu quả. Ngay khi các làng ký hợp đồng nhận khoán, đơn vị phân công cán bộ xuống tận nơi tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng nhận khoán chặt chẽ. Ban tiến hành lập danh sách các tổ bảo vệ rừng các làng, thu hút người dân vào các hoạt động bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm và quyền lợi của bà con với từng lô rừng nhận khoán... Mặc dù thù lao nhận khoán còn thấp nhưng bà con luôn nghiêm túc chấp hành pháp luật, góp phần không nhỏ trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cũng theo ông Tư, hiện nay vẫn còn một số làng chưa mạnh tay xử lý hành vi vi phạm do nể nang với nhau. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban còn ít, mức lương còn thấp, chưa đảm bảo đời sống, trong khi thủ đoạn của lâm tặc ngày càng tinh vi. Đặc biệt, nhu cầu gỗ làm nhà cho đồng bào tại chỗ còn cao, một số hộ còn thiếu đất sản xuất dễ dẫn đến hành vi xâm hại rừng gây áp lực lên nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
Nguyễn Diệp