Du lịch

Hành trang lữ hành

Đẩy mạnh kết nối du lịch biển - rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc kết nối các tour, tuyến giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch giữa các địa phương

Xác định vai trò quan trọng trong liên kết vùng để phục hồi du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đang bắt tay kết nối sản phẩm du lịch biển - rừng giữa 2 địa phương.

Doanh nghiệp hiến kế

Ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thương mại Phương Thắng (tỉnh Khánh Hòa), nhìn nhận lâu nay nhiều người thường nghĩ du khách quốc tế tới Đắk Lắk là sẽ tìm hiểu về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và loài voi. Tuy nhiên, gần đây khách quốc tế chuyển hướng lên Tây Bắc để tìm hiểu về sắc thái dân tộc bản địa khi người dân ở đây vẫn mặc đồ thổ cẩm, nếp nhà vẫn như những năm trước. Còn Đắk Lắk, giờ đây trang phục của đồng bào dân tộc gần như chỉ còn trên sân khấu, người dân tộc thiểu số ra đường ăn mặc như người Kinh.

Còn khách quốc tế muốn khám phá voi, họ sẽ thích đến các nước châu Phi với những đàn voi hoang dã, hay ở Sri Lanka có một trại voi có cả hàng trăm con và mỗi năm sinh sản 40 đến 50 con. Còn Thái Lan, du khách tới có thể tắm cho voi, chơi với voi, xem voi vẽ tranh, đá bóng. Trong khi đó, voi Đắk Lắk lâu rồi không sinh sản. khách đến cũng chỉ đứng nhìn một vài con voi từ xa.


 

Du khách tìm hiểu về quy trình chế biến cà phê tại TP Buôn Ma Thuột
Du khách tìm hiểu về quy trình chế biến cà phê tại TP Buôn Ma Thuột


"Trước kia tuyến du lịch Khánh Hòa - Đắk Lắk luôn được khách Tây Âu lựa chọn nhưng sau một thời gian thì điểm đến Đắk Lắk không còn hấp dẫn nữa. Tuy Khánh Hòa là đầu mối cho du khách Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... nhưng du khách đến Nha Trang 10 đến 15 ngày thì họ cũng chán nên sản phẩm du lịch Đắk Lắk có thể bổ sung cho sản phẩm du lịch Nha Trang và ngược lại" - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho hay khi khảo sát du khách quốc tế, họ nghe nói Đắk Lắk là thủ phủ cà phê không chỉ Việt Nam mà cả thế giới nên muốn uống cà phê, muốn tìm hiểu. Tuy nhiên, khi ông Thắng tới một số cơ sở cà phê nổi tiếng ở TP Buôn Ma Thuột thì chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách. "Du khách muốn tìm hiểu về những gì liên quan đến cà phê, cách phân biệt các loại cà phê, tham quan một trang trại gần thành phố, mua các sản phẩm bánh kẹo từ cà phê… Theo tôi, Đắk Lắk nên tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thủ phủ cà phê Robusta của toàn thế giới. Du khách sẽ rất tự hào khoe rằng, tôi đã đến cái nôi của cà phê thế giới" - ông Thắng nói.

Theo ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VND Travel (tỉnh Bình Định), Tây Nguyên rất giàu tiềm năng du lịch, nhiều điểm đến mới đủ điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch theo loại hình du lịch Caravan - xu hướng lựa chọn du khách trong năm 2022. Do đó, Đắk Lắk cần chủ động xây dựng điểm đến phục vụ cho loại hình này để đáp ứng cho du khách, kích cầu du lịch ở vùng sâu, vùng xa.

Liên kết để phát triển

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận hiện du lịch tỉnh này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, lượng khách quốc tế đến còn thấp. Có những nguyên nhân như: giao thông chưa thuận lợi, nguồn ngân sách đầu tư cho du lịch còn hạn chế, không có những doanh nghiệp đủ mạnh để tạo cú hích cho du lịch phát triển. "Để kết nối du lịch biển - rừng, tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác trong chương trình "Đến với biển xanh - hoa vàng và đại ngàn Tây Nguyên". Tỉnh cũng có chương trình hợp tác riêng với tỉnh Khánh Hòa, TP Đà Nẵng để liên kết, thu hút khách du lịch" - bà Hiếu cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian tới sẽ thường xuyên phối hợp, liên kết với ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; làm cầu nối để các doanh nghiệp du lịch 2 tỉnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Đánh giá cao việc kết nối du lịch biển - rừng, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho rằng Đắk Lắk cần tiếp tục hoàn thiện, ra mắt các sản phẩm du lịch mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Tỉnh cần tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, góp phần thực hiện tốt chương trình phát động phục hồi du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. "Ví dụ việc tổ chức chương trình Famtrip Caravan kết nối Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên là một sáng kiến rất kịp thời của các doanh nghiệp. Đây là nỗ lực triển khai công tác xúc tiến thị trường, sản phẩm, dịch vụ để thực hiện đúng phương châm mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới an toàn và hiệu quả" - ông Phương nhấn mạnh.


Đắk Nông sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về hang động núi lửa

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20, dự kiến vào tháng 11-2022. Việc tỉnh Đắk Nông được chấp thuận tổ chức hội nghị này là một sự kiện đối ngoại quan trọng, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất mang tầm quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Ngoài tiền đề thu hút du khách, tỉnh Đắk Nông hy vọng các nhà khoa học đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của hệ thống hang động, làm rõ văn hóa người tiền sử và chia sẻ kinh nghiệm góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản.

Theo Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm