Kinh tế

Đẩy mạnh liên kết vùng để Tây Nguyên phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để Tây Nguyên trở thành khu vực phát triển năng động thì cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế của đồng bào các dân tộc bản địa, đầu tư hạ tầng giao thông để giải bài toán kinh tế về logistics, đồng thời đầu tư để phục hồi tái tạo tài nguyên rừng...

Vùng đất giàu tiềm năng

Toàn vùng Tây Nguyên có gần 6 triệu người, diện tích tự nhiên 54.470 km2, bằng 1/6 diện tích cả nước. Tây Nguyên có đường biên giới dài hơn 600 km giáp Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, là vùng có vị trí chiến lược của đất nước.

Các tỉnh Tây Nguyên có diện tích rộng lớn với đủ các loại địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, tài nguyên thiên nhiên phong phú như: khoáng sản, nắng gió, nhiều di tích lịch sử và văn hóa của các dân tộc anh em gắn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, truyền thống đoàn kết, tính sáng tạo, người dân cần cù, chất phác, tinh thần hiếu học và quyết tâm vượt khó của đồng bào các dân tộc nơi đây luôn được phát huy.

 Ký kết giao thương kết nghĩa giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tại chương trình tọa đàm kết nối đầu tư vào Gia Lai năm 2020 ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hà Duy
Ký kết giao thương kết nghĩa giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tại chương trình tọa đàm kết nối đầu tư vào Gia Lai năm 2020 ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hà Duy


Tây Nguyên có thể chia thành 3 tiểu vùng: Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đak Lak, Đak Nông), Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng). Miền Trung Tây Nguyên có độ cao thấp hơn và nền nhiệt độ cao hơn 2 tiểu vùng phía Bắc và Nam. Nằm trong vùng nhiệt đới Xavan, khí hậu ở Tây Nguyên được chia làm 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4.

Với đặc điểm đất đỏ bazan ở độ cao khoảng 500-600 m so với mặt biển, Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như: chè, cà phê, cao su, dâu tằm... Từ sau ngày giải phóng đến nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên các loại cây trồng mới đã phát triển nhanh chóng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: điều, ca cao, hồ tiêu, mắc ca, chanh dây và các loại cây ăn quả như: bơ, sầu riêng, mít, nhãn, vải thiều, măng cụt… một số loại cây dược liệu như: đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, xạ đen, sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm bố chính, mật nhân… cũng được trồng thử nghiệm để hình thành các vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn.

Cà phê là cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên với diện tích gần 610 ngàn ha (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); diện tích cao su đứng thứ 2 sau Đông Nam Bộ với hơn 250 ngàn ha (chiếm 26%); bơ có 2,8 ngàn ha (chiếm hơn 82%); hồ tiêu có 90 ngàn ha (chiếm hơn 60%); điều có 83 ngàn ha (chiếm 28%); sầu riêng có 12,6 ngàn ha (chiếm 34%); vùng rau, hoa tại Lâm Đồng có hơn 30% diện tích được sản xuất theo hướng công nghệ cao... Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung một số sản phẩm chủ lực, là vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của cả nước, đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm.

Tháng 9-2020, tại tỉnh Đak Lak, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị bàn về chủ trương đưa cây mắc ca vào Tây Nguyên. Thủ tướng cho rằng: Đây là một loại cây có thể “đi sau, về trước”. Cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập thấp, là cây giảm nghèo và làm giàu. Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết nhiều việc làm cho người dân Tây Nguyên.

Thời tiết ở Tây Nguyên thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ và phát triển năng lượng tái tạo. Trước đây, nắng gió là khó khăn, trở ngại nhưng nay là tài nguyên, là nguồn lợi to lớn đang được đầu tư phát triển. Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng được sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tây Nguyên có đến 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, chiếm 60% đất bazan cả nước. Đây là tiềm năng đang được các nhà đầu tư hướng đến. Hạ tầng giao thông dù chưa hiện đại nhưng có thể nói tương đối hoàn chỉnh như sân bay, các tuyến quốc lộ. Nếu sớm đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ huyết mạch và các tuyến đường xương cá thì càng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của cả vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Đẩy mạnh liên kết và thu hút đầu tư

Với nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần số dự án và 36 lần về số vốn so với giai đoạn 2011-2015). Trong đó, 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.928 tỷ đồng; 176 dự án điện mặt trời và điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 715.497,5 tỷ đồng.

Gia Lai có cơ hội đón nhiều nhà đầu tư chiến lược về phát triển, có năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác như các tập đoàn: FLC, Golf Long Thành, Thành Thành Công, Trung Na, Công ty TNHH Meiwa Việt Nam (thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản), Công ty KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc), Hiệp hội Kinh tế-Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA), Trung tâm Hợp tác Phát triển Quốc tế Daegu Gyeongbuk (Đại học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc)...

Nhiều dự án điện gió được khởi công xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mở ra triển vọng về phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều dự án điện gió được khởi công xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã mở ra triển vọng về phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Thụy


Tương tự, trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Đak Lak thu hút 318 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 30.880 tỷ đồng. Trong đó có 96 dự án đầu tư đã hoàn thành với tổng số vốn trên 7.500 tỷ đồng; 222 dự án đầu tư đang thực hiện thủ tục hoặc đang trong quá trình triển khai. Số vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đã góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm đạt 8,75%/năm (kế hoạch là 8,5-9%/năm);

Trong 2 năm (2018-2019), tỉnh Kon Tum đã thu hút được các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, FLC, TH True Milk... đến nghiên cứu và đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ; dự án điện gió, điện mặt trời... Đối với các dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh Kon Tum đã có 363 dự án được cấp phép đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có 334 dự án đang còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 58.683 tỷ đồng.

Giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh Đak Nông mời gọi đầu tư 95 dự án, trong đó có 40 dự án thuộc các lĩnh vực thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị; 20 dự án nông nghiệp, nông thôn; 19 dự án sản xuất công nghiệp, hạ tầng khu-cụm công nghiệp và 16 dự án xã hội hóa.

Cùng với cây công nghiệp và khoáng sản, Tây Nguyên rất giàu tiềm năng du lịch. Bên cạnh đó, Tây Nguyên còn là kho tàng văn hóa phi vật thể khổng lồ, đặc sắc và huyền bí mà rất ít cao nguyên trên thế giới có được. Tây Nguyên cũng sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình như: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, các hồ sinh thái, thác nước, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... Đặc biệt, quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã cho thấy loài người đã sinh sống cách đây trên dưới 800 ngàn năm ở Tây Nguyên.

Tiềm năng phong phú như vậy nhưng chưa có sự kết nối xác định được sản phẩm du lịch đặc thù của vùng; sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương và trong hoạt động tour, tuyến du lịch nên làm giảm tính hấp dẫn du lịch và năng lực cạnh tranh du lịch chung của toàn vùng cũng như từng địa phương. Vì vậy, liên kết để khai thác và phát triển du lịch vùng là yêu cầu cấp thiết của các tỉnh Tây Nguyên.

Theo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak Bùi Văn Cường, để Tây Nguyên trở thành khu vực phát triển năng động thì cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế của đồng bào các dân tộc bản địa, đầu tư hạ tầng giao thông để giải bài toán kinh tế về logistics, đồng thời đầu tư để phục hồi tái tạo tài nguyên rừng...

Với những thành tựu đã đạt được, hy vọng trong thập kỷ mới, Tây Nguyên sẽ tiếp tục chào đón các nhà đầu tư để khai thác có hiệu quả các tiềm năng nhằm tạo sự bứt phá để cùng nhau phát triển, hội nhập.

 

NGUYỄN DŨNG
 

Có thể bạn quan tâm