Kinh tế

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Trong 168 mô hình nông hội đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có 127 nông hội thuộc lĩnh vực trồng trọt; 32 nông hội thuộc lĩnh vực chăn nuôi; 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè) và 3 nông hội thuộc lĩnh vực sản xuất phân bón, ươm cây giống...

thong-qua-mo-hinh-nong-hoi-cac-san-pham-dia-phuong-da-duoc-ket-noi-tim-duoc-dau-ra-tren-thi-truong-anh-ha-duy-3094.jpg
Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, rượu ghè. Ảnh: Hà Duy

Ông Y Khâm-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Với những hoạt động tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã góp phần đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của thành viên các nông hội. Qua đó, họ biết ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ chế biến bảo quản, xây dựng sản phẩm OCOP; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kinh doanh. Phát huy được tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất.

“Thông qua mô hình nông hội đã phát triển được các hoạt động hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn”-ông Y Khâm cho hay.

Ông Thiều Viết Đoàn-Chủ nhiệm Nông hội trồng cà phê xen mắc ca xã Sơn Lang (huyện Kbang) chia sẻ: “Thông qua các buổi sinh hoạt của nông hội, các thành viên có thể bàn luận, trao đổi cách làm mới, hiệu quả, các vấn đề về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, các vấn đề thời tiết nông vụ, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn... để nâng cao kiến thức trong sản xuất kinh doanh”.

tham-gia-nong-hoi-da-gop-nang-cao-chat-luong-san-pham-nong-nghiep-qua-do-giup-doi-song-hoi-vien-duoc-nang-len-anh-ha-duy.jpg
Nông hội góp phần tạo bước chuyển trong tư duy sản xuất của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Tuy nhiên, hoạt động nông hội thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn nhất định. Đó là một số nơi chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện mô hình nông hội trên địa bàn; một số địa phương chưa nghiên cứu, rà soát kỹ các điều kiện ở địa phương; việc thành lập nông hội còn “chạy theo thành tích” nên sau khi thành lập nhiều nông hội hoạt động không hiệu quả. Điều này dẫn đến việc một số nông hội hoạt động cầm chừng, giảm thành viên tham gia, thậm chí dừng hoạt động.

Đặc biệt, bên cạnh những địa phương có số lượng nông hội nhiều như: TP. Pleiku 18 nông hội, huyện Chư Sê 16 nông hội, huyện Ia Grai 15 nông hội, huyện Kông Chro 14 nông hội, huyện Kbang 14 nông hội… thì các địa phương còn lại có số lượng nông hội còn khá ít.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh Nguyễn Quang Trường cho biết: Đến nay toàn huyện đã thành lập được 7 mô hình nông hội.

Mô hình này là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, là hạt nhân để phát triển chuỗi liên kết sản phẩm tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, mô hình này còn khá mới mẻ với người dân; mặt khác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm; việc hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa nhiều và mang tính ổn định nên gặp khó khăn trong quá trình lựa chọn, xây dựng nông hội nên số lượng mô hình còn hạn chế”.

Xây dựng nông hội góp phần tạo bước chuyển trong tư duy sản xuất của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển nông hội là thêm một cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, nông dân có thêm “kênh” tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận được những “kênh” kết nối thị trường, tìm đầu ra có sản phẩm. Vì vậy, tiếp tục phát triển mô hình nông hội là vô cùng cần thiết.

thong-qua-mo-hinh-nong-hoi-cac-san-pham-dia-phuong-da-duoc-ho-tro-ket-noi-tim-dau-ra-tren-thi-truong-anh-ha-duy.jpg
Tham gia nông hội đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, được kết nối đầu ra, qua đó giúp đời sống hội viên được nâng lên. Ảnh: Hà Duy

Đối với việc phát triển mô hình nông hội trong thời gian tới, tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã chỉ đạo: “Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, đánh giá lại chất lượng các mô hình nông hội, không nên chạy theo thành tích và có phương án đối với các nông hội dừng hoạt động.

Các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ nên xác định các nội dung, chương trình tập huấn, hướng dẫn cho thành viên của các nông hội về phương pháp, kỹ thuật trồng trọt; tiếp tục phát triển các mặt hàng OCOP. Chính quyền các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân liên kết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi phương thức sản xuất kinh doanh”.

Có thể bạn quan tâm