Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đẩy mạnh xây dựng nhà cao tầng, tăng nhanh nhà ở xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân và hướng tới nâng cao chất lượng; chuyển từ nhà ở thấp tầng sang cao tầng; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt là nhà ở cho người lao động thu nhập thấp..., đó là những mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở TPHCM vừa được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo Bộ Xây dựng.
Thêm nhà ở dọc ga metro
Dự báo trong giai đoạn 2021-2025, dân số thành phố khoảng 10,25 triệu người, cần phát triển thêm khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 367.000 căn nhà. Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố năm 2025 lên mức 23,5m2/người. Trong 5 năm tiếp theo từ 2026-2030, khi dân số tăng lên 11,29 triệu người, TPHCM sẽ xây dựng thêm khoảng 57,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu  của người dân và nâng diện tích nhà ở bình quân đạt 26,5m2/người.
Về loại hình nhà ở, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển thêm khoảng 40,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng trong dự án, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình, và khoảng 9,3 triệu m2 chung cư cao tầng. Trong 5 năm tiếp theo sẽ xây dựng thêm 44,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng trong dự án, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình và khoảng 12,8 triệu m2 chung cư cao tầng.

Nhiều công trình nhà ở được xây dựng dọc khu metro TP. Thủ Đức
Theo tính toán của Sở Xây dựng, nguồn lực để thực hiện các dự án nhà ở trong chiến lược phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 là rất lớn, cần khoảng 1,52 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến được huy động từ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, vốn tích lũy của hộ gia đình và các nguồn khác. Riêng phần vốn phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp, tín dụng ưu đãi và khoảng 10% từ ngân sách của thành phố. Về quỹ đất, dự báo tổng nhu cầu diện tích đất để phát triển nhà ở của thành phố 10 năm tới khoảng 5.239ha, trong đó đất cho xây dựng nhà ở thương mại khoảng 4.788ha, nhu cầu đất xây NƠXH khoảng 451ha.
Để xây dựng hàng trăm triệu m2 nhà ở, đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân thành phố trong 10 năm tới, thành phố đã đề ra một loạt định hướng lớn. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nhà chung cư, tăng hệ số sử dụng đất quanh khu vực các ga metro để tận dụng hạ tầng, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của đối tượng thu nhập thấp. Phát triển đa dạng về hình thức thanh toán như thuê, thuê mua, mua, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở giá thấp, giá rẻ.
Tại khu vực trung tâm và nội thành hiện hữu, thành phố sẽ tập trung phát triển nhà ở chung cư cao tầng trong giai đoạn 2021-2030, đồng thời phát triển hạ tầng phù hợp với quy mô của dự án để đảm bảo không quá tải lên hạ tầng đô thị. Tập trung phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực nội thành quận 7, quận 12, quận Bình Tân và TP Thủ Đức; từng bước phát triển hạ tầng ở khu vực ngoại thành để tạo lập các quỹ đất phát triển dự án nhà ở giá rẻ có hạ tầng đồng bộ, phục vụ số đông người lao động đến thành phố.
Ông TRẦN HOÀNG QUÂN, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Đã có quỹ đất xây dựng 70.000 căn NƠXH
Sở Xây dựng đã rà soát quỹ đất trong các doanh nghiệp có dự án trên 10ha có tỷ lệ 20% dành cho NƠXH và hiện có 33-34 dự án với quy mô khoảng 70.000 căn. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có khoảng 13 dự án giải phóng mặt bằng, do đó nếu toàn bộ các doanh nghiệp hoàn tất giải phóng mặt bằng sẽ dôi dư quỹ đất để xây dựng trên 70.000 căn NƠXH. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc phát triển loại hình này, đôn đốc các doanh nghiệp bồi thường, giải phóng mặt bằng quỹ đất xây NƠXH, nếu doanh nghiệp xây được thì để doanh nghiệp xây, nếu không thì giao Nhà nước chọn chủ đầu tư.
Cần có sự đồng hành từ doanh nghiệp
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, phát triển nhà ở phải gắn với định hướng trước mắt và lâu dài, nghiên cứu, phân tích nhu cầu về cung - cầu và thị trường bất động sản, các chính sách về an sinh xã hội, phù hợp với định hướng phát triển không gian của thành phố, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thành phố đưa ra nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Về giải pháp quy hoạch, phát triển quỹ đất trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở phù hợp với quy hoạch; khi lập, phê duyệt dự án nhà ở thương mại, khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất phát triển NƠXH. Giải pháp về nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án, sẽ tăng cường hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu cho các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở…
Giải pháp về nguồn vốn, thuế đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, vốn huy động hợp pháp để xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị, đặt biệt là NƠXH. Thành phố ưu đãi về thuế như miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... cho doanh nghiệp xây dựng NƠXH. Đặc biệt, phải lành mạnh thị trường bất động sản, cải cách thủ tục hành chính nhằm góp phần đem lại giá trị thực của nhà ở, tiết giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corp, cho rằng, mục tiêu chương trình nhà ở của thành phố trong gần 10 năm tới là khá lớn, không chỉ là phát triển nhà ở mà còn gắn với mục tiêu phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị… Để đạt được mục tiêu trên cần có sự “đồng hành” giữa chính quyền và doanh nghiệp để huy động các nguồn lực xã hội, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với nhau để một dự án có thể triển khai nhanh nhất, đảm bảo quy định của pháp luật.
Chuyên gia đô thị học TS Nguyễn Minh Hòa nhận xét, thành phố cần cơ chế, lộ trình thích hợp bằng cách tháo gỡ chính sách phát triển nhà ở, khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thuận lợi hơn, có chính sách cho các hộ gia đình có nhu cầu xây nhà, sửa nhà vay vốn. Mục tiêu xây dựng 100.000 căn NƠXH cho người nghèo cũng là một nỗ lực của thành phố, nhưng rất cần hỗ trợ tín dụng. Một thực trạng đáng “báo động” là vài năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn của thành phố đã chuyển hướng làm dự án ở các tỉnh khá nhiều, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn lực.
“Nếu thành phố không nhìn ra vấn đề này để có giải pháp thích hợp thì mục tiêu trên sẽ trở nên khó khăn hơn”, TS Hòa chia sẻ.
Theo ĐỖ TRÀ GIANG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm