(GLO)- Mặc dù công tác quản lý chất lượng, tiến độ xây dựng, giá thành các công trình giao thông đạt được những kết quả nhất định, song theo ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thì: “Các công trình giao thông thuộc Sở quản lý có tiến độ thi công chậm, tiến độ giải ngân cũng chậm”.
Đoạn đường Chư A Thai-Ia Yeng (huyện Phú Thiện) đã xuống cấp. Ảnh. Hà Duy |
Nguyên nhân của sự chậm trễ chủ yếu là do một số nhà thầu gặp khó khăn về tài chính, khó tiếp cận nguồn vốn vay, một số công trình chậm do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Việc chậm tiến độ đã dẫn đến phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tiến độ, điều chỉnh hợp đồng. Sự trượt giá dẫn đến vốn đầu tư dự án tăng, trong điều kiện nguồn vốn ít đã làm tăng khó khăn cho dự án. Chưa kể thời tiết năm nay cũng khá bất lợi do số ngày mưa và số cơn bão lũ nhiều.
Trên thực tế, số công trình giao thông do Sở quản lý hầu hết chưa được đầu tư xây dựng hoặc được đầu tư nhưng quy mô rất nhỏ. Theo kế hoạch, nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho 2 dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 và 14C. Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 đoạn từ Gia Lai đi Phú Yên có chiều dài gần 88 km đang triển khai theo tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng có tổng mức đầu tư 1.390 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã khởi công từ đầu năm 2010.
Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải-ông Nguyễn Hồng Trường trong Hội thảo “Tiến độ, chất lượng công trình giao thông” đã nhấn mạnh: “Mục tiêu của ngành Giao thông-Vận tải là chất lượng và tiến độ luôn phải đi đôi với nhau. Một công trình giao thông nếu làm đúng tiến độ thì lợi ích kinh tế rõ ràng rất lớn và có thể thấy được. Song nếu tiến độ đạt mà chất lượng không đảm bảo thì cũng không thể gọi là đạt. Bởi vậy, phải tập trung mạnh vào giám sát thi công và thi công để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”. |
Tuy vậy, đến năm 2011, do khó khăn về vốn và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, dự án buộc phải giãn tiến độ. Từ đó đến nay, Sở chỉ đạo thực hiện theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí giai đoạn đến 2015 là 290 tỷ đồng (theo kế hoạch, vốn bố trí đến hết năm 2012 là 70 tỷ đồng, năm 2013 là 115 tỷ đồng và năm 2014 dự kiến là 105 tỷ đồng) để thực hiện các đoạn đang thi công dang dở. Cụ thể là từ Km47+125 đến Km58, Km58 đến Km99+423, thảm bê tông nhựa hạt trung và một số hạng mục như cầu Klúi, cầu số 5, cống thoát nước, đảm bảo giao thông trên tuyến.
Do nhu cầu cấp thiết của dự án, đồng thời thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải đã đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành và triển khai các dự án. Theo đó, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 phải hoàn thành trước năm 2015.
Với dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14C đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai từ Km107-Km 202 được Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2393/QĐ-BGTVT ngày 24-7-2001 và Quyết định số 3097/QĐ-BGTVT ngày 12-10-2007 về việc phê duyệt điều chỉnh hạng mục đầu tư đoạn tuyến tránh hồ thủy lợi Ia Mơ (Km 185+400-Km 192+829) do nguồn vốn hạn chế, dự án hiện mới hoàn thành giai đoạn I với các hạng mục xây dựng cầu cống, nền đường với 24 km, đảm bảo thông tuyến nhưng chưa đầu tư xây dựng mặt đường.
Năm 2013, theo kế hoạch, dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14C giai đoạn II đoạn qua tỉnh Gia Lai (Km 124+900-Km 202) có tổng mức đầu tư là 25 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã thực hiện được trên 9,72 tỷ đồng. Căn cứ vào kế hoạch cấp phát vốn và lưu lượng xe thực tế lưu thông trên tuyến, Bộ Giao thông-Vận tải sẽ cân đối và có kế hoạch đầu tư trong những năm tiếp theo.
Năm 2014, dự báo là năm nhiều khó khăn, ngành Giao thông-Vận tải vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Song với thuận lợi là nguồn vốn được cấp đầy đủ, hy vọng giao thông Gia Lai không còn là vấn đề nóng.
Hà Duy