Xã hội

Từ thiện

Dạy trẻ làm từ thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa trưa, màn hình điện thoại của tôi bật sáng bởi cuộc gọi của cô bạn thân. “Bà biết chỗ nào bán truyện tranh thiếu nhi mà là truyện cũ không? Tôi đi tìm khắp thành phố 2 ngày nay rồi mà vẫn không thấy”-giọng người mẹ trẻ có phần hớt hải. Sau khi chỉ một số địa điểm, tôi thắc mắc vì sao phải tìm truyện tranh cũ và phải gấp gáp như vậy thì ngạc nhiên khi nghe câu trả lời: “Tôi mua cho con gái đem lên trường ủng hộ. Ngày mai hết hạn nộp rồi”.      
Thực tế có rất nhiều cách để hình thành tình yêu thương, mong muốn được sẻ chia trong trẻ.
Thực tế có rất nhiều cách để hình thành tình yêu thương, mong muốn được sẻ chia trong trẻ.  (ảnh internet)
Dạy con trẻ làm việc tốt, giúp đỡ người khác là việc đương nhiên đối với người lớn. Song giáo dục làm sao để trẻ hiểu được ý nghĩa của việc làm từ thiện còn ít được chú ý. Những cách làm kêu gọi ủng hộ trẻ em nghèo mà nhiều trường học đang triển khai chưa đủ để học sinh hiểu hết ý nghĩa của hành động sẻ chia, lá lành đùm lá rách. Áp “chỉ tiêu”, mang tính chất giao nộp không khiến cho học sinh tìm được ý nghĩa của hoạt động từ thiện mà thiên về bắt buộc, gượng ép nhiều hơn. Từ đó sẽ hình thành suy nghĩ làm từ thiện một cách đối phó, qua loa, không thực tâm. Vì thế hành động ấy sẽ không để lại ý nghĩa nào cả.
Thực tế có rất nhiều cách để hình thành tình yêu thương, mong muốn được sẻ chia trong trẻ. Nhiều ngôi trường vẫn thường xuyên tổ chức các đợt từ thiện bằng cách cho các em học sinh trực tiếp đến thăm Làng trẻ em SOS, trại trẻ mồ côi hay đến các buôn, làng khó khăn để tận mắt nhìn thấy những hoàn cảnh cần được chia sẻ, giúp đỡ. Khi đó, cuốn truyện, tấm áo ấm hay bộ đồng phục cũ được trao đến tay những mảnh đời bất hạnh trở nên ý nghĩa hơn bội phần.
Cô giáo thời đại học của tôi thỉnh thoảng vẫn kêu gọi quyên góp sách cho các trường khó khăn và mỗi lần kêu gọi, cô cho biết điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các bạn học sinh nơi đó. Vì vậy, những thùng sách cũ mà cô nhận được còn kèm theo nhiều thư tay của các em học sinh-chủ nhân cuốn sách. Những bức thư này ngoài giới thiệu nội dung từng cuốn sách còn chia sẻ khó khăn và mong các bạn được nhận sẽ tiếp tục nâng niu, gìn giữ món quà ấy. Tôi cũng có anh bạn đồng nghiệp mỗi lần nghe ngóng ở đâu có đợt tình nguyện về các ngôi làng vùng sâu, vùng xa là lại đưa cô con gái nhỏ theo cùng. Sau lần đi đầu tiên, con gái của anh luôn tự mình chuẩn bị phần quà cho các bạn nhỏ ở làng khi tham gia những lần tiếp theo. Đó là hộp bút màu, chiếc áo ấm hay một vài cuốn truyện mà cô bé đã đọc. Dù nhỏ bé nhưng tôi nghĩ đó chính là món quà vô giá đến từ một đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu và biết sẻ chia.
Kể cho trẻ nghe những câu chuyện nhân ái, về lòng tốt, dạy cách tôn trọng, yêu kính người già, nhường nhịn em nhỏ, thường xuyên làm gương giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn… là những cách mà cha mẹ, thầy cô có thể áp dụng để nuôi dưỡng nhân cách, tình yêu thương trong con ngay từ thuở còn thơ.
 KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm