Để cà phê trở thành sản phẩm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cao nguyên Pleiku là một trong những xứ sở cà phê của Tây Nguyên. Nơi đây, từ lâu đã có truyền thống sản xuất cà phê không hề thua kém thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột cả về số lượng, chất lượng và trình độ pha chế, tạo ấn tượng cho du khách về hương vị đậm đà rất riêng và đáng nhớ.


Nức tiếng cà phê

Trước năm 1975, Pleiku là một đô thị nhỏ “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Phố núi khi ấy đã có những quán cà phê nổi tiếng như quán Văn, quán Băng ở đường Phan Thanh Giản (đường Lê Hồng Phong ngày nay), quán Dinh Điền ở đường Hai Bà Trưng… Trong đó, cà phê Dinh Điền thu hút lượng “tín đồ cà phê” rất lớn nhờ bí quyết pha chế ly cà phê với hương vị rất đậm đà, hấp dẫn mà không nơi nào có được. Còn với quán Văn, quán Băng, lượng khách vẫn đông cả ngày lẫn đêm.

Thu Hà với ly cà phê pha phin truyền thống vẫn mê hoặc nhiều người dân Phố núi. Ảnh: Hồng Thi
Quán Thu Hà với ly cà phê pha phin truyền thống vẫn mê hoặc nhiều người dân Phố núi. Ảnh: Hồng Thi

Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ đổi mới, Pleiku đã nhanh chóng hồi sinh. Ở Phố núi, các doanh nghiệp chế biến cà phê và quán cà phê mọc lên như nấm sau mưa. Dọc các tuyến phố đều có quán cà phê phục vụ cả ngày lẫn đêm. Trong đó, một số gia đình tận dụng mặt tiền, vỉa hè trước nhà mình để mở “quán cóc” bán nước giải khát kèm theo pha chế cà phê phin cho khách quen với giá bình dân.

Tìm hiểu lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cà phê đúng nghĩa ở đô thị Pleiku hiện nay, tôi tạm thời chia làm 3 loại: loại dịch vụ nhà hàng giải khát, chủ yếu kinh doanh pha chế các loại cà phê, trà và thức uống giải khát như quán: Trà Cung Đình, Vương Cát Trà, Hoàng Hà…; loại dịch vụ pha chế cà phê có quy mô bao gồm cả sân vườn, nơi thưởng ngoạn cây cảnh; và loại quán cà phê “chuyên đề” với các đặc điểm như quán cà phê chỉ trưng bày hoa lan hay quán cà phê bonsai hoặc có quán trưng bày các loại đồ cổ xưa, quán có lối kiến trúc cổ như: Huế Xưa, Thềm Xưa, Xưa Da Vàng…

Do đặc điểm địa hình Pleiku có nhiều thung lũng và sườn đồi nhấp nhô, không gian rộng nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đã chọn những vùng đất “vàng” để mở quán cà phê thoáng mát, thiết kế và trang trí phù hợp với thiên nhiên, hấp dẫn du khách. Nhiều quán được đầu tư khá bài bản và công phu, thiết kế ấn tượng mang dáng vẻ của cao nguyên; đồng thời, tập trung vào khâu chọn lọc, pha chế các loại cà phê mang hương vị riêng, đặc biệt, kết hợp phong cách phục vụ lịch sự, vui tươi, nhưng giá cả vừa phải rất được lòng du khách.

Tuy nhiên, đa phần quán cà phê ở TP. Pleiku thường đầu tư bị lệch; có người quá chú ý đến hình thức, thiết kế, bố cục sao cho hấp dẫn, nhưng lại quên đi nội dung, tức phương pháp chế biến cà phê ngon, sạch mang hương vị riêng để giữ chân thực khách. Ngược lại, có nhiều quán cà phê bình dân, không quá cầu kỳ nhưng lại thu hút được giới sành điệu cà phê lui tới nhờ bí quyết pha chế cà phê rất ngon, phù hợp với nhiều đối tượng và giá cả phải chăng.

Để cà phê Pleiku thành sản phẩm du lịch

Ngày nay, du khách đến Phố núi đa phần là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và tìm hiểu những nét đặc sắc văn hóa đa sắc tộc, đồng thời thưởng thức các đặc sản của vùng đất bazan do chính con người nơi đây tạo ra. Trong đó, hương vị cà phê Pleiku cũng không kém phần hấp dẫn, gọi mời.

Du khách có thể đến các quán cà phê ở ngoại ô hoặc dạo nội đô để tìm đến một quán cà phê sang trọng hay bình dân để thưởng thức hương vị đậm đà của ly cà phê đen ép, cà phê sữa hay cà phê pha phin ăm ắp mùi thơm riêng biệt và mua sản phẩm cà phê bột về làm quà. Mỗi quán cà phê ở Pleiku có nét đặc trưng riêng, một không gian thú vị riêng, không nơi nào giống nơi nào khiến du khách ngạc nhiên như lạc vào các thế giới bài trí, bố cục khác lạ với đa dạng sắc màu văn hóa vùng miền nhưng cũng mang nét đặc trưng của cao nguyên Pleiku.

Không gian hiện đại tại quán KupPlei Café n Tea (TP. Pleiku) với phong cách tự phục vụ. Ảnh: Phương Vi
Không gian hiện đại tại quán KupPlei Café n Tea (TP. Pleiku) với phong cách tự phục vụ. Ảnh: Phương Vi

Tuy nhiên, để dịch vụ cà phê ở Phố núi Pleiku thực sự trở thành sản phẩm đặc sắc của du lịch địa phương, chúng ta còn nhiều việc phải làm nhằm tạo ra nét đặc trưng. Để phục vụ cho mục đích phát triển du lịch của đô thị Pleiku trong những năm đến, nhất là hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cà phê cần phải có điều kiện.

Ngoài các điều kiện về vệ sinh môi trường, không gian thoáng đãng, đảm bảo các yếu tố văn hóa trong bố cục, trang trí và phong cách phục vụ thì vấn đề quan trọng hàng đầu là nguyên liệu cà phê phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được sự kiểm soát thường xuyên của cơ quan chức năng.

Hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ đào tạo về quản lý, kỹ thuật và đề xuất chính sách khen thưởng, vinh danh những chủ cơ sở kinh doanh tốt hàng năm. Đồng thời, hướng dịch vụ cà phê vào phát triển du lịch không chỉ dừng lại ở thưởng thức hương vị ly cà phê, mà còn thu hút khách tham quan, trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê.

BÙI QUANG VINH