Bạn đọc

Để đạt điểm cao môn Toán, lưu ý những điều gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
"Sau loạt câu hỏi về nhận biết, thông hiểu là những câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao. Thường từ câu 30-35 trở đi. Lúc này học sinh không nên thực hiện tuần tự mà đọc và lựa chọn câu hỏi sở trường, thế mạnh của mình để giải quyết"- thầy Nguyễn Cao Cường chia sẻ.
 
Chỉ còn một ngày nữa, thí sinh cả nước sẽ bước vào kì thi đầy cam go. Thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy ôn thi môn Toán tại tuyensinh247.com chia sẻ phương pháp giúp thí sinh đạt điểm cao nhất môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia ngày 25-27/6.
Thầy Cường cho rằng, việc cần làm ngay khi vào phòng thi, thí sinh cần ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm; Ghi và tô số báo danh; Khi nhận đề cần ghi và tô mã đề luôn.  
Đặc biệt, thí sinh cần đọc lướt đề. Khi nhận đề cần đọc lướt 50 câu trắc nghiệm và xác định mức độ quen, lạ của câu hỏi.
Tiếp đó, theo thầy Cường lưu ý các em học sinh cần đọc kỹ và chiến lược làm bài. Đề thi được sắp xếp theo mức độ câu hỏi từ dễ đến khó theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Chính vì vậy những câu hỏi đầu (khoảng 30 câu), học sinh nên đọc và tuần tự làm. Lúc này cần đọc thật kỹ từng câu hỏi để tránh những sai lầm sơ đẳng.
"Chẳng hạn, những câu hỏi rất đơn giản về tính đơn điệu, cực trị hàm số, tiệm cận, tập xác định của hàm số luỹ thừa, hàm số mũ, logarit, nguyên hàm cơ bản, số phức... hay những câu hỏi về công thức chỉnh hợp, tổ hợp, công thức về cấp số cộng, cấp số nhân, véc tơ, công thức tính thể tích vật tròn xoay... hay những câu hỏi tìm câu Sai nhưng học sinh lại chọn câu Đúng..."- thầy Cường chia sẻ.
Thầy Cường cũng chỉ ra cách cho thí sinh có thể tìm kiếm điểm cao. Sau loạt câu hỏi về nhận biết, thông hiểu là những câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao:  "Thường từ câu 30-35 trở đi. Lúc này học sinh không nên thực hiện tuần tự mà đọc và lựa chọn câu hỏi sở trường, thế mạnh của mình để giải quyết. Những câu hỏi vận dụng cần sử dụng thời gian hợp lý, những câu nháp lâu mà chưa có kết quả thì nên chuyển sang câu khác".
Một điểm rất quan trọng, theo thầy Cường, việc phân bố thời gian hợp lý. Trung bình mỗi câu hỏi là 1 phút 48 giây. Chính vì vậy cần xử lý nhanh những câu hỏi dễ để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Khi còn 15 phút cuối, không nên mải mê vào những câu hỏi từ 40 -50 mà nên sử dụng nháp để kiểm tra độc lập lại những câu hỏi đã làm và tô cho rõ, kín những đáp án đã chọn.
"Tránh trường hợp tô mờ, tô không kín, tô 2 đáp án của một câu. Khi còn 5 phút là hết giờ thì cần đưa ra lựa chọn để tô ngẫu nhiên những câu chưa làm được. Tỉ lệ 1/4 vẫn là con số học sinh nên áp dụng. Chẳng hạn số lượng câu hỏi học sinh tự tin làm đúng nằm ở các đáp án A, B, C thì tô ngẫu nhiên có thể chọn D"- thầy Cường chỉ ra
Thầy Cường nhấn mạnh, học sinh không nên xem đáp án và đọc báo mạng trong những ngày thi vì nó không giúp cho bào đã thi tốt hơn mà thậm chí còn ảnh hưởng tới những môn thi tiếp theo. Cần chuẩn bị sức khoẻ và tâm lí thoải mái khi dự thi.
Ngoài ra, theo thầy Cường cũng lưu ý, thí sinh cần mang đồ dùng học tập nhớ đầy đủ: bút viết, bút chì, tẩy máy tính bỏ túi, thước kẻ, compa.... Lưu ý: Bút chì nên gọt sẵn ở nhà vài chiếc, loại 2B là vừa vì đậm quá tô dễ nhưng khó tẩy. Máy tính là loại máy học sinh đang sử dụng trong quá trình ôn thi, hoạt động tốt.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Các thí sinh sẽ tham gia thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
 
Đỗ Hợp (TPO)

Có thể bạn quan tâm