Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đang diễn ra đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, Du lịch đang trên đà thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã bị “cơn bão Covid-19” tàn phá một cách nặng nề và nghiệm trọng. Vậy đâu là xu hướng và giải pháp cho du lịch phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19?
Ảnh minh họa |
Tác động của đại dịch đến ngành du lịch Việt Nam
Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5/2021, đúng vào thời điểm mùa vàng của du lịch nội địa. Ngay lập tức các lệnh cấm bay, hạn chế đi lại, tụ tập đông người, cộng với sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà hàng, khách sạn tại các điểm đến du lịch phải đóng cửa vì vắng khách, doanh thu sụt giảm mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch Covid-19 tiếp tục tác động xấu tới tình hình du lịch 7 tháng đầu năm 2021. Tất cả các chỉ số về khách quốc tế, dịch vụ lữ hành, lưu trú đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Ước tính trong tháng 7 có khoảng 7,5 nghìn lượt du khách, tăng 3,7% so với tháng trước và giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch ở hầu hết các địa phương gần như tê liệt.
Ngành giao thông vận tải, trong đó, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021.
Nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỷ đồng. Các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt… cũng chịu tác động tiêu cực khi hoạt động thương mại và du lịch sụt giảm.
Lượng khách quốc tế đến châu Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm 2021 đạt 95.719 nghìn lượt khách giảm 97,5%.
Tất cả những thiệt hại của ngành du lịch khó đo đếm được và chắc chắn vượt hơn nhiều con số 7 tỷ USD như dự báo của Tổng cục Du lịch.
Doanh thu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành giảm mạnh chỉ đạt 243,6 nghìn tỷ đồng giảm 11,8%, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt 4,3 nghìn tỷ đồng giảm 58,8%. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, ăn uống phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Xu hướng sau đại dịch Covid-19
Có thể thấy những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến ngành du lịch là rất nặng nề. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng gợi mở nhiều cơ hội để ngành du lịch vượt qua thách thức qua việc đánh giá, nhận định được xu hướng phát triển của ngành du lịch cũng như nhu cầu của du khách trong thời gian tới theo một số xu hướng sau:
Xu hướng du lịch điểm đến an toàn, thân thiện. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên Thế giới và Việt Nam, cũng như sự bất ổn chính trị của một số quốc gia trên thế giới gần đây đã và đang tác động đến quyết định đến việc đi du lịch của du khách, và điểm đến du lịch an toàn, thân thiện sẽ là sự lựa chọn, ưu tiên hàng đầu của du khách khi dịch bệnh được kiểm soát và mọi hoạt động sinh hoạt trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Xu hướng du lịch được bảo đảm về chăm sóc sức khỏe cũng như bảo hiểm cao hơn. Dịch Covid-19 được dự báo sẽ chưa thể kết thúc sớm cho đến khi có đầy đủ vaccine để tiêm cho mọi người dân. Điều này đồng nghĩa với việc khách du lịch cần biết thông tin chi tiết về hệ thống chăm sóc sức khỏe của điểm đến và các gói bảo hiểm du lịch ngoài những thông tin về điểm đến, dịch vụ…Những thông tin như vậy sẽ giúp khách du lịch giảm bớt lo lắng và yên tâm để thực hiện những chuyến đi.
Xu hướng chuyển từ nhu cầu du lịch quốc tế sang nhu cầu du lịch nội địa. Việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia trong tình hình dịch bệnh Covid-19, cùng với những lo sợ về tính an toàn và chi phí y tế của điểm đến… thì du lịch nội địa sẽ là lựa chọn của rất nhiều du khách Việt Nam và các nước trên thế giới.
Xu hướng sử dụng sản phẩm du lịch trọn gói, các gói (combo) thiết kế sẵn dành cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình cũng sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu của du khách.
Xu hướng linh hoạt trong sử dụng dịch vụ. Trong bối cảnh các hạn chế đi lại cũng như việc đóng cửa biên giới có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào vì dịch bệnh, khách du lịch sẽ ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có nhiều lựa chọn linh hoạt và chính sách hợp lý trong việc thay đổi ngày, hoãn hoặc hủy đặt chỗ vào phút chót nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong chuyến du lịch.
Giải pháp phát triển sau đại dịch Covid-19
Để hoạt động du lịch được phục hồi hiệu quả sau dịch Covid-19 và thích ứng với trạng thái bình thường mới, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng một mô hình phát triển bền vững hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp du lịch cần chủ động sẵn sàng thích ứng, có cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả, giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát, hạn chế tác động ảnh hưởng và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội du lịch cần chung sức đồng lòng phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu ngay sau khi dịch kết thúc. Cần chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa.
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành du lịch để có điều kiện hoạt động tốt nhất, sản phẩm du lịch được quảng bá rộng rãi đến người dân với giá thành phù hợp, thí dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30% – 50%, trợ giá cho du khách để ngành du lịch sớm phục hồi sau đại dịch.
BÙI TRUNG DŨNG (Khoa Quản trị dịch vụ & Lữ hành Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội/NDĐT)