Có 19 dự án đầu tư trên địa bàn 2 huyện Đức Trọng và Lâm Hà để mất hơn 777 ha rừng, nhưng 5 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng chỉ “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.
Sở NN-PTNT Lâm Đồng vừa có báo cáo kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Sở qua các thời kỳ liên quan đến Kết luận thanh tra (KLTT) số 2094/KL-UBND và 2096/KL-UBND ngày 13.4.2020 của UBND tỉnh.
Các dự án ở 2 huyện Đức Trọng và Lâm Hà đã để mất hơn 777 ha rừng. Ảnh: Gia Bình |
Theo đó, Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Sở qua các thời kỳ và tất cả đều có hình thức “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Ngoài 1 nguyên giám đốc Sở đã mất, còn lại 5 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo gồm: ông Phạm Văn Án (nguyên Giám đốc) chịu trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư, giao khoán rừng theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/2005/NĐ-CP trong giai đoạn tháng 12.2003 - 4.2012; ông Lê Văn Minh (nguyên Phó giám đốc, Giám đốc) chịu trách nhiệm người phụ trách lĩnh vực và trách nhiệm người đứng đầu liên quan đến các nội dung như ông Án trong giai đoạn tháng 7.2005 - 6.2016; ông Bùi Văn Hùng (nguyên Phó giám đốc) chịu trách nhiệm liên quan công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn 2013 - 5.2015; ông Nguyễn Văn Sơn (Giám đốc) chịu trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư trong giai đoạn tháng 7.2016 đến thời điểm thanh tra năm 2019 (theo kiểm điểm này, trước thời điểm tháng 7.2016, ông Sơn là Phó giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, do đó không liên quan đến các tồn tại theo KLTT 2094 và 2096); ông Võ Danh Tuyên (Phó giám đốc) chịu trách nhiệm của người phụ trách lĩnh vực liên quan đến tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư trong giai đoạn tháng 5.2017 đến thời điểm thanh tra năm 2019 (từ tháng 8.2010 - 4.2017, ông Tuyên là Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, các nội dung có liên quan đã thực hiện kiểm điểm tại Chi cục Kiểm lâm).
Liên quan 2 KLTT 2094 và 2096, Hạt Kiểm lâm H.Đức Trọng đã kiểm điểm 4 tập thể, 19 công chức và xử lý kỷ luật 7 công chức (3 cảnh cáo, 4 khiển trách); Hạt Kiểm lâm H.Lâm Hà đã kiểm điểm 2 tập thể, 23 công chức và xử lý kỷ luật 4 công chức (1 đình chỉ công tác, 1 cảnh cáo, 2 khiển trách). Chi cục Kiểm lâm đã kiểm điểm 6 lãnh đạo chi cục và 3 tập thể liên quan.
Theo các KLTT nói trên, tại H.Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp (DN) được thuê đất thuê rừng đến ngày 30.6.2019, có 17 dự án để xảy ra phá rừng 677,56 ha, trong đó có 457,11 ha/16 dự án chưa xử lý; tại H.Lâm Hà có 2 dự án để xảy ra phá rừng 99,96 ha. Đến nay, có 5/15 DN đã chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng trên 15 tỉ đồng.
“Để xảy ra phá rừng tại các dự án tại H.Đức Trọng và H.Lâm Hà, trách nhiệm thuộc về chính DN thuê đất, thuê rừng đã được UBND tỉnh quy định rõ trong các quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng. Công ty TNHH thương mại dịch vụ kinh doanh địa ốc Việt R.E.M.A.X (mất 0,6 ha rừng) không thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, không triển khai dự án và không hoàn thành các thủ tục có liên quan, đến nay UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi đất và giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, UBND H.Lâm Hà quản lý. Công ty CP Tập đoàn Tân Mai thuê đất để trồng rừng nguyên liệu giấy, để mất 99,36 ha rừng trồng do vốn tự có của DN. Trách nhiệm này không thuộc Sở NN-PTNT do từ năm 1999 nhiệm vụ quản lý đất lâm nghiệp đã chuyển giao về Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT). Nguyên nhân mất rừng còn do một số DN đã buông lỏng quản lý, không đủ nguồn lực để thực hiện dự án và bố trí lực lượng bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ tài nguyên rừng trên địa bàn”, Sở NN-PTNT Lâm Đồng lý giải.
Theo Gia Bình (TNO)