Thời sự - Bình luận

Để nông dân giàu lên từ lúa gạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc một số nước cấm xuất khẩu hoặc tăng thu mua dự trữ gạo đã tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về lượng lẫn giá.
Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa ST24 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Tuấn Phi/TTXVN

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa ST24 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Tuấn Phi/TTXVN

Gạo Việt Nam rõ ràng ngày càng định vị được thương hiệu và có nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế. Nhưng chúng ta có tận dụng được những cơ hội đó và quan trọng nhất là giúp người nông dân có thể nâng cao thu nhập, giàu lên từ lúa gạo hay không vẫn còn là một bài toán cần nhiều lời giải.

Những tháng gần đây, gạo Việt Nam xuất khẩu có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ước tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam vừa qua cũng đạt đỉnh cao nhất trong 11 năm qua, trung bình 590 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước. Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cũng đẩy giá lúa thu mua trong nước tăng theo.

Đáng lẽ, những điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của người trồng lúa cũng phải tăng theo tỷ lệ tương ứng. Thế nhưng trên thực tế, việc giá lúa liên tục tăng lên chưa hẳn người nông dân đã có thể hưởng lợi ngay. Phần là do các hợp đồng đã ký trước đó, phần nữa do số diện tích lúa thu hoạch rơi vào từ nay tới cuối năm nên có độ trễ. Vì thế, ở một vài địa phương những ngày gần đây có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá gạo trong nước lên cao bất hợp lý, nhưng người được hưởng lợi chính không phải là nông dân mà phần lớn lại rơi vào các khâu trung gian, thương lái…

Thực tế cho thấy, tình trạng nông dân chán ruộng, bỏ ruộng vẫn xảy ra ở nhiều nơi, ngay cả với địa phương từng được mệnh danh là “quê hương năm tấn” một thời. Hiện một hạt lúa “cõng” rất nhiều chi phí, mà khi thu hoạch, người trồng lúa không còn lời lãi bao nhiêu. Mỗi năm Việt Nam sản xuất hàng chục triệu tấn lúa, xuất khẩu hàng triệu tấn gạo nhưng ở không ít làng quê, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhiều người dân chưa thể “sống khỏe” hay giàu lên từ cây lúa, dù cho có “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thì không chỉ cốt lõi của nông nghiệp - nông dân - nông thôn chưa thực hiện được, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chuỗi sản xuất - xuất khẩu lúa gạo.

Người dân Mường Bi, huyện Tân Lạc đưa lúa lên xe vận chuyển về nhà. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Người dân Mường Bi, huyện Tân Lạc đưa lúa lên xe vận chuyển về nhà. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Cơ hội có, nhưng thu nhập bình quân của người nông dân lại đang ở mức thấp. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 thu nhập bình quân của nông dân là 43 triệu đồng/năm, tương đương gần 3,6 triệu đồng/tháng. Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập của người nông dân sẽ gấp 3 lần so với năm 2020. Câu hỏi đặt ra là với thu nhập này, người nông dân có thực sự mặn mà với ruộng đồng, từ đó tạo nguồn lực và “động lực” chính để thúc đẩy sản xuất lúa gạo?

Do vậy, song song với việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, thì bài toán làm thế nào để người nông dân có thể “sống khỏe” ngay trên cánh đồng của mình cần được tính toán thấu đáo, rốt ráo.

Để làm được điều này cần một bài toán tổng lực từ nhiều phía với chiến lược cụ thể. Trong đó, về phía người nông dân, không thể mãi duy trì cách làm “trông trời, trông đất, trông mây”, mà cần xác định rõ lúa gạo là hàng hóa để có thể chủ động nắm bắt cơ hội, ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng. Cái “bắt tay” giữa nông dân với doanh nghiệp, nhất là thương lái thu mua lúa gạo cũng cần hài hòa, tương tác trên tinh thần gắn kết với nhau, các bên cùng có lợi, đảm bảo sản phẩm có đầu ra ổn định, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hay “ép giá, dội chợ”.

Bên cạnh đó, gia tăng giá trị cho hạt gạo, cắt giảm các khâu trung gian trên cở sở tính toán chặt chẽ quy trình từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ cũng sẽ góp phần không nhỏ giảm thiểu tối đa chi phí, từ đó tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa. Khi thu nhập của người nông dân được nâng cao, đời sống được cải thiện, sẽ góp phần mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho sản phẩm lúa gạo về lâu dài.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề cập tại tại Hội nghị bàn phương hướng điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm mới đây. Theo Bộ trưởng, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương đảm bảo tiêu thụ lúa, gạo với giá có lợi cho người nông dân.

Đặc biệt, tại Chỉ thị 24/CT-TTg về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo, bên cạnh yêu cầu “đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống”, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm, thì cần khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu, các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo…, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

Việc “đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa” hay “đảm bảo tiêu thụ lúa, gạo với giá có lợi cho người nông dân” như tinh thần mà Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu ra, chính là một trong những giải pháp trọng yếu để có góp phần đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu lúa gạo bền vững. Khi người nông dân có thể làm giàu trên chính cánh đồng quê hương mình, hạt lúa thực sự là “hạt vàng” thì sẽ tạo động lực mạnh nhất để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm