(GLO)- Tháng 6-2022, Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đóng chân trên địa bàn TP. Pleiku đã tổ chức hội nghị bàn tròn liên quan đến dự án “Pleiku xanh”. Dự án do Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ-Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên làm chủ nhiệm.
Tại hội nghị, các chuyên gia cây xanh, kiến trúc sư đô thị, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà khoa học cùng thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện ý tưởng “Pleiku xanh”. Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu loạt bài của Tiến sĩ-Kiến trúc sư Đặng Thanh Hưng, kiến trúc sư Trương Nam Thuận và Bích Hà về vấn đề này.
Cây xanh là yếu tố để phục vụ nhu cầu của con người hay con người chỉ là một thành phần của tự nhiên, trong đó có hệ thống cây xanh? Câu hỏi này được đặt ra và câu trả lời sẽ quyết định tư duy của chúng ta với môi trường sống tương lai, nhất là môi trường các đô thị.
Quang cảnh hội nghị thống nhất thiết kế dự án “Pleiku xanh” của Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ. Ảnh: Trần Dung |
Hiện nay, chúng ta đang quy hoạch các tuyến đường, các tòa nhà phục vụ cho con người và hoàn toàn không tuân theo các quy tắc vận hành của tự nhiên. Cây xanh chỉ đơn thuần là một lựa chọn cảnh quan để “thêm vào” cho đẹp, cho mát mẻ không gian vốn đã đầy đủ. Chúng ta phát triển cây xanh nhưng lại tư duy theo mét vuông. Theo quy định, các đô thị phân cấp theo cách: cấp 1 thì có chỉ tiêu cây xanh khác, cấp 2 có chỉ tiêu cây xanh khác hay cấp đặc biệt thì chỉ tiêu cây xanh cũng khác. Tư duy “mét vuông” cho chúng ta sự cân bằng về diện tích, quy mô dân số. Đem áp dụng vào thực tế thì đâu đâu cũng thiếu, chỗ nào cũng không đủ cho nên dẫn đến khó khăn trong công tác đầu tư, xây dựng chất lượng môi trường sống cho cư dân. Mét vuông cho chúng ta biết số lượng. Nhưng tiêu chuẩn cây xanh và chất lượng môi trường sống của cây xanh cho chúng ta thấu đáo sâu hơn về chất lượng sống của cư dân. Cho nên, thay vì đặt ra tiêu chí “mét vuông” cho phân loại đô thị để tự làm khó chính mình thì nên tiếp cận trực tiếp vào tác dụng của cây xanh với chất lượng cuộc sống của cư dân. Trồng nhiều mà không khai thác tốt, bảo dưỡng và chăm sóc khoa học vẫn không bằng trồng ít nhưng trồng đúng, chất lượng cây và khai thác không gian tốt, bảo dưỡng và chăm sóc kỹ lưỡng.
Trong các đồ án quy hoạch, từ đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch chung cho đến quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị thì luôn vắng bóng chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống tự nhiên (trong đó có cây xanh). Vì vậy, ở mọi cấp độ quản lý từ vĩ mô cho đến vi mô, cây xanh chỉ được xem như một thành tố phụ trợ, thậm chí trang trí cho đẹp đô thị. Vì vậy, muốn thay đổi chất lượng môi trường sống bằng cách tăng cường “giá trị” đóng góp của mảng xanh, phải suy nghĩ cởi mở và sáng tạo hơn trong cách làm quy hoạch phát triển hiện nay. Sức khỏe của con người phụ thuộc tổng hợp vào sức khỏe của hệ thống môi trường tự nhiên mà cây xanh chỉ là một thành phần nhưng lại rất quan trọng. Nếu lấy sức khỏe của con người làm “trọng tâm” thì cần giải quyết của hệ thống cây xanh trong mọi cấp độ của đồ án quy hoạch. Từ quy hoạch chung xây dựng đô thị đến quy hoạch chi tiết thì mới mong có được một chất lượng đồng bộ, thống nhất và bền vững. Quy hoạch chung, cần bổ sung quy hoạch chung về mảng xanh và hệ thống tự nhiên; quy hoạch phân khu thì phải xem quy hoạch cây xanh là một chiến lược không thể tách rời của thiết kế chi tiết, đến quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị phải đi sâu vào việc thiết kế và quản lý mảng xanh sao cho đảm bảo hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội.
Mảng thiết kế cây xanh tuyến đường Lê Đức Thọ thuộc dự án “Pleiku xanh” của Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ, điểm nhấn mang đến lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần. Ảnh: Hồ Vĩnh Anh |
Với các thành phố có chiến lược phát triển du lịch bền vững vì sức khỏe như TP. Pleiku thì cây xanh là yếu tố vô cùng quan trọng. Tác dụng của cây xanh rất nhiều và cũng đã có không ít nghiên cứu của các nhà khoa học về vấn đề này. Tuy nhiên, phát triển quy hoạch cây xanh để phục vụ cho “du lịch” và “sức khỏe” cộng đồng mang tính chất đặc thù của Phố núi, là những việc rất đặc trưng, rất khác biệt. Sức khỏe gồm 2 khía cạnh: thể chất và tinh thần. Thể chất là vận động. Mọi sự vận động, thể dục, thể thao trong khu vực đô thị không thể thiếu cây xanh, thiếu bóng mát. Cho nên quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh làm sao để phục vụ cho nhu cầu tăng cường hoạt động thể chất của người dân địa phương và đồng thời làm sao thu hút khách du lịch tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất. Đó là nhiệm vụ của quy hoạch cây xanh. Về tinh thần, lại liên quan nhiều đến các công trình văn hóa, công trình biểu tượng và không gian công cộng thể hiện sức sống nội tại của đô thị. Cho nên quy hoạch cây xanh làm sao để tạo ra sức hút về văn hóa, tạo ra sự cạnh tranh về môi trường sinh thái với các khu vực, thành phố khác, cũng là nhiệm vụ quy hoạch của hệ thống cây xanh. Nếu tập trung vào 2 nhiệm vụ cốt lõi này thì bản đồ quy hoạch và phát triển cho TP. Pleiku tự nhiên sẽ tạo ra được bản sắc riêng biệt.
Cây xanh là một thành tố có thể kích hoạt sự tham gia phát triển đô thị của cộng đồng. Nhà nước có sự hoạch định khoa học về quy hoạch, chiến lược tổng thể phát triển cây xanh nhưng ở cấp độ vi mô thì người dân chính là đối tượng thụ hưởng, sử dụng. Rất nhiều bài học thực tiễn chỉ ra rằng kế hoạch trồng cây theo cách làm truyền thống của cơ quan quản lý đôi khi gây ảnh hưởng đến quyền lợi, quan điểm của người dân. Điều này khiến họ không tham gia vào quá trình chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Có khi, cái người dân cần là bóng mát, chiếu sáng và sự an toàn, thuận tiện cho kinh doanh chứ không phải là cây xanh trồng trước nhà của họ. Vì vậy, kế hoạch phát triển cây xanh phải tích hợp vào quá trình xin ý kiến của người dân, để họ tham gia góp ý trực tiếp vào các bản thiết kế cảnh quan đường phố theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Như vậy sẽ có sự đồng thuận cao hơn, người dân cũng sẽ bảo vệ ý kiến của chính họ cũng là bảo vệ không gian xanh. Cách làm này cần linh hoạt và khéo léo thay vì chủ quan, áp đặt như trước đây.
Theo lời kể của cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum Ksor Krơn, trước ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), Pleiku là một đô thị gắn liền với các căn cứ quân sự lớn của chế độ cũ, việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị nói chung và cây xanh nói riêng không được chú ý. Những năm đầu sau giải phóng, chính quyền tập trung giải quyết cái ăn, cái mặc, phòng bệnh, chữa bệnh, chuyện học hành cho trẻ em đã là quá sức trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp; việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo đô thị, trong đó có cây xanh đô thị, tạm thời chưa bàn đến. Những năm gần đây, vấn đề quy hoạch cây xanh đô thị Pleiku đã rất nhiều lần được bàn đến. Được biết, TP. Pleiku hiện có gần 14.500 cây xanh thuộc 32 loài khác nhau được trồng trên 107/273 tuyến đường đã có tên. |
Tóm lại, tư duy về cây xanh nên gắn liền với tư duy về quy hoạch môi trường tự nhiên. Không nên tách nhỏ cây xanh thành các hạng mục phụ trợ cho đủ chỉ tiêu về quy hoạch. Từ cấp độ vĩ mô của toàn vùng và cho đến cấp huyện, cấp xã đều phải có tính hệ thống, tầng bậc. Gắn kết chặt chẽ vai trò, nhiệm vụ và chức năng của cây xanh với định hướng phát triển của từng khu vực cho đến trung tâm thành phố. Tập trung hỗ trợ thiết thực hiệu quả cho mục tiêu của quy hoạch phát triển. Nếu Pleiku chưa làm thì phải làm bằng được việc này thì mới mong phát triển cây xanh một cách khoa học bài bản được, mới gắn việc phát triển du lịch-ngành kinh tế quan trọng như chủ trương đã được xác định trong quá trình xây dựng đô thị Pleiku trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Thành phố Pleiku, đô thị loại I thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh và thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, chỉnh trang nhiều hạng mục công trình với mục tiêu làm cho thành phố trở thành nơi đáng sống, đáng đến của mọi người, thật sự là chốn “đất lành chim đậu”.
ĐẶNG THANH HƯNG - TRƯƠNG NAM THUẬN - BÍCH HÀ